Ngày 16/06/2022, bộ khung quy định về tiền mã hóa của Panama đã bị tạm dừng sau khi Tổng thống Laurentino Cortizo phủ quyết một phần của dự luật. Giờ đây, Quốc hội nước này sẽ tổ chức tranh luận thêm.
Tổng thống Panama phủ quyết dự luật
Báo chí địa phương đưa tin, Tổng thống Laurentino Cortizo “yêu cầu các quy định về tiền mã hóa phải thích ứng với các chuẩn mực điều chỉnh hệ thống tài chính của đất nước”. Dự luật bây giờ sẽ được đưa trở lại Quốc hội để tranh luận thêm.
Vào cuối tháng 4, thiên đường thuế Trung Mỹ có vẻ sẽ trở thành quốc gia Latinh thứ hai chấp nhận Bitcoin khi cơ quan lập pháp của Panama đã đưa ra dự luật mới nhằm “chuẩn y” danh phận của Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) như một phương thức thanh toán thanh thế hợp lệ, chứ không chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ hợp pháp.
Hạ nghị sĩ Panama Gabriel Silva – người đứng sau dự luật cho biết dù đã được nhận sự chấp thuận cần thiết nhưng dự luật không cho phép tiền mã hóa trở thành tiền tệ hợp pháp trong nước, nhưng có thể sử dụng miễn phí crypto làm phương tiện thanh toán cho bất kỳ giao dịch nào.
Panama không có tiền tệ theo hiến pháp của đất nước, nhưng đã chính thức sử dụng đồng USD trong hơn một thế kỷ. Trước dự luật, Gabriel Silva từng chia sẻ rằng việc các công ty crypto thiết lập hoạt động kinh doanh ở Panama là bất hợp pháp, nhưng điều đó sẽ thay đổi khi dự luật mới chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên cho đến tháng trước, Tổng thống Cortizo cho biết ông vẫn chưa sẵn sàng đặt bút ký ban hành luật, thậm chí có thể phủ quyết dự luật vì những lo ngại xung quanh các tiêu chuẩn chống rửa tiền toàn cầu.
***Đọc thêm: Tổng thống Panama chưa sẵn sàng thông qua dự luật tiền điện tử
Ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn ngày 19/5 rằng:
“Tôi phải rất cẩn thận nếu luật có các điều khoản liên quan đến hoạt động rửa tiền.”
Về cơ bản, dự luật cho phép người dân Panama mua hàng hóa hàng ngày bằng crypto. Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), XRP, Litecoin (LTC) và Stellar (XLM) sẽ là hình thức thanh toán chính thức cho bất kỳ hoạt động thương mại hoặc dân sự hợp pháp nào, bao gồm cả việc thanh toán thuế, phí và nghĩa vụ cho chính phủ.
Dự thảo luật cũng công nhận các DAO – tổ chức tự trị phi tập trung – là các tổ chức hợp pháp giúp thiết lập khuôn khổ quy định để Panama phát hành token chứng khoán và hàng hóa, như vàng và bạc, thông qua STO (Security Token Offering) – hình thức gọi vốn bằng các đợt mở bán token cho nhà đầu tư.
Hạ nghị sĩ Gabriel Silva, người đã giúp soạn thảo dự luật, đã chia sẻ trên Twitter rằng động thái của tổng thống là “đánh mất cơ hội tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư, kết hợp công nghệ và đổi mới trong khu vực công”. Theo ông, Panama xứng đáng có nhiều cơ hội hơn và những giải pháp tài chính ưu việt hơn.
Nếu dự luật được ký kết thành luật chính thức, Panama sẽ là quốc gia thứ 3 trên thế giới chào đón tiền mã hóa, sau El Salvador và Cộng Hòa Trung Phi.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng là dự luật của Panama khác với luật Bitcoin của El Salvador vì Panama sẽ không chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ nhưng sẽ cho phép tự do sử dụng crypto để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ cùng với đồng USD.