Dữ liệu từ FiinPro mới công bố cho thấy, nhiều cổ phiếu vẫn tăng ngược dòng trong tháng 4 “bão tố” trong khi đa phần các cổ phiếu có mức giảm khá mạnh.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 4, VN-Index dừng ở mức 1.366,8 điểm, tương ứng giảm 125,35 điểm (-8,4%) so với cuối tháng 3, HNX-Index cũng giảm 83,79 điểm (-18,6%) xuống 365,83 điểm, UPCoM-Index giảm 12,73 điểm (-10,9%) xuống 104,31 điểm.
Thị trường chứng khoán đi xuống kèm theo thanh khoản sụt giảm mạnh. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong tháng 4 đạt 26.299 tỷ đồng/phiên, giảm 18,8% so với tháng 3. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 19,8% xuống còn 24.194 tỷ đồng/phiên.
Theo dữ liệu từ FiinPro, toàn thị trường chứng khoán có tổng cộng 1.115 mã giảm trong khi chỉ có 312 mã tăng. Thống kê 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường có đến 42 mã giảm trong khi số mã tăng chỉ vỏn vẹn 8.
Trong Top 50 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán, giảm mạnh nhất là THD của Thaiholdings (mã: THD) với mức giảm 30% trong tháng 4. Hiện tại, giá cổ phiếu THD chỉ còn 117.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 55,6% so với mức đỉnh 265.500 đồng/cổ phiếu được thiết lập ở phiên 7/1. Năm 2022 Thaiholdings đặt mục tiêu đạt 8.880 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7,7% so so với năm trước. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.503 tỷ đồng, tăng 4,9% so với lợi nhuận thực hiện năm 2021.
Cổ phiếu DIG của DIC Corp giữ vị trí á quân về thị giá giảm trong tháng 4 với mức giảm 29,5%. Theo báo cáo hợp nhất quý 1, doanh thu thuần của DIC Corp tăng 3,7% so với cùng kỳ và đạt 519 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 61,5 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021.
Cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội cũng giảm 23,8% và giữ vị trí thứ 3 trong danh sách các cổ phiếu giảm mạnh nhất tháng 4. Tại đại hội cổ đông mới đây khi cổ đông băn khoăn về thị giá cổ phiếu liên tục giảm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển cho biết, cổ đông là những người chủ của ngân hàng, việc tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo chuẩn mực quốc tế, an toàn, bền vững. “Đúng là giá cổ phiếu có xuống thời gian gần đây. Giá trên thị trường sẽ có lên có xuống. Tuy nhiên, cổ đông có thể phân tích sẽ thấy giá trị cao hơn thị giá thời điểm hiện tại. Chúng ta nên có niềm tin và sự phân tích để đầu tư cổ phiếu có giá trị, bền vững”, Chủ tịch SHB nói.
Theo đó, ông Đỗ Quang Hiển tiếp tục được Đại hội cổ đông bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027.
Quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế SHB ước đạt 3.226 tỷ đồng, hoàn thành gần 30% kế hoạch cả năm. Với kết quả này, ban lãnh đạo ngân hàng lạc quan sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận gần 11.700 tỷ trong năm nay.
Cổ phiếu SSI của Công ty Chứng khoán SSI cũng đứng thứ 4 về biên độ giảm điểm trong tháng 4 với -20%. Năm 2022, SSI đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 10.330 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 4.370 tỷ đồng – lần lượt tăng 31% và 30% so với thực hiện năm 2021.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 của SSI ghi nhận doanh thu đạt 2.068,4 tỷ – tăng 36% và lợi nhuận trước thuế 883 tỷ đồng – tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, danh sách các cổ phiếu giảm điểm mạnh trong tháng 4 còn ghi nhận EIB giảm 18.7%, BSR giảm 17,86%, GE3 giảm 17%, TPB giảm 16,3%, GVR giảm 15%, BID giảm 14,4%, CTG giảm 14,5%, VHM giảm 14%, PLX giảm 13%, HVN giảm 12,65%, STB giảm 12,6%, TCB giảm 11,2%…
Tuy vậy, tháng 4 nhiều cổ phiếu lớn vẫn “ngược dòng” tăng như BCM tăng 17% trong tháng 4 từ 73.700 đồng/cổ phiếu lên mức 85.900 đồng/cổ phiếu, DGC tăng 5,66%, NVL tăng 2,37%, MWG tăng 2,3%, VND tăng 1,64%, BVH tăng nhẹ 0,98%…
Top 50 cổ phiếu vốn hoá lớn biến động tháng 4