Thuật ngữ Web 3.0 hay Web3 ra đời vào năm 2014 bởi Gavin Wood, nhà đồng sáng lập Ethereum và ý tưởng này đã thu hút lượng lớn những người đam mê tiền điện tử và các công ty công nghệ lớn quan tâm kể từ năm 2021.
Web3 vẫn đang phát triển và trong quá trình hoàn thiện định nghĩa. Packy McCormick, một nhà đầu tư góp phần đưa Web3 phổ biến hơn, đã định nghĩa Web3 là “internet thuộc sở hữu của những người xây dựng và người dùng, được lên kế hoạch cẩn thận bằng token.”
Khái niệm về Web3 có thể vừa khó hiểu vừa mơ hồ với nhiều người. Dưới đây là một số thông tin chính về quá trình phát triển của web và Internet trong những năm qua.
– Web 1.0 – Web tĩnh (khoảng 1990 – 2005). Web 1.0 bao gồm các trang wen chỉ đọc và không có tính tương tác. Việc tạo nội dung và tìm kiếm nội dung khá hạn chế.
– Web 2.0 — Web động (từ khoảng năm 2004). Web 2.0 được xây dựng từ ứng dụng phần mềm mới. Hầu hết giá trị được tạo ra từ các công ty như Google, Apple, Amazon và Facebook.
Tầm nhìn của Web3 là trở thành một phiên bản dân chủ hơn cho các nội dung và tài sản kỹ thuật số, nơi các nền tảng Web3 có thể cung cấp cho người sáng tạo và người dùng cách kiếm tiền từ hoạt động và đóng góp của họ. Ví dụ: PIXIE, một phiên bản tiền điện tử của TikTok hoặc Instagram, sẽ thưởng cho người dùng tương tác tích cực trên nền tảng bằng tiền điện tử PIX ( hoạt động này được gọi là social content mining)
Có nhiều con đường khác nhau dẫn đến sự phát triển của Web3, giới chuyên gia trong ngành xác định những đặc điểm chính sau đây:
- Semantic Web: Các công nghệ web nâng cao cho phép người dùng tạo và chia sẻ tài liệu liên kết thông qua tìm kiếm và phân tích. Khả năng tìm kiếm và phân tích với Web3 sẽ tập trung nhiều hơn vào việc hiểu nghĩa của từ và ngữ cảnh đằng sau chúng.
- Phi tập trung: Không giống như Web 1.0 và Web 2.0 khi các nền tảng lớn quản lý và kiểm duyệt nội dung, Web3 hướng tới phi tập trung với tất cả các ứng dụng và dịch vụ được kích hoạt theo cách tiếp cận phân tán khi không có bên thứ 3 kiểm soát.
- Đồ họa 3D hoặc Metaverse: Một số chuyên gia công nghệ đề cập đến Web3 vì khả năng tạo ra tương tác mới giữa thế giới thực và ảo hay metaverse.
- Trí tuệ nhân tạo: Sự kết hợp giữa khả năng ngữ nghĩa và AI sẽ cải thiện đáng kể khả năng hiểu dữ liệu và cung cấp kết quả nhanh hơn và phù hợp hơn (ví dụ: dự đoán khí hậu hoặc hành vi tham nhũng).
Các tính năng khác của Web3 bao gồm Ubiquity (mọi nơi), Blockchain (sổ cái phi tập trung).
Xu hướng chính của Web3 năm 2023
Tập trung vào an ninh mạng
Web3 cung cấp một số lợi ích cho người dùng, chẳng hạn như quyền sở hữu dữ liệu, tính minh bạch và ít trung gian hơn, nhưng cũng đồng thời làm tăng mối lo ngại về bảo mật điển hình như hack smart contract, crypto-jacking, rug pull và ice phishing.
Một báo cáo năm 2022 từ Ủy ban Thương mại Liên bang tiết lộ rằng hơn 46.000 cá nhân đã mất hơn 1 tỷ USD trong các vụ lừa đảo tiền điện tử kể từ năm 2021. Theo nền tảng kiểm toán tiền điện tử Certik, tổng giá trị tiền mã hóa bị đánh cắp trong các vụ tấn công mạng trong năm 2021 vào khoảng hơn 1,3 tỷ USD. Tháng 9/2022, công ty giao dịch tiền điện tử Wintermute của Mỹ đã trở thành nạn nhân của một vụ tấn công mạng khi bị tin tặc đánh cắp lượng tải sản kỹ thuật số trị giá khoảng 160 triệu USD.
Cùng với tiền điện tử, NFT cũng trở thành mục tiêu ngày càng phổ biến của những kẻ lừa đảo.
Với những mối quan tâm ngày càng tăng trong lĩnh vực này, một số công ty mới thành lập đang phát triển các giải pháp bảo mật, dữ liệu, giám sát và lưu trữ cho Web3 và xu hướng đầu tư vào ngành ngày càng tăng:
- Immunefi: một nền tảng dịch vụ bảo mật và tiền thưởng lỗi cho DeFi đã huy động được 24 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A.
- CertiK: công ty bảo mật Web3 hàng đầu đã huy động được 88 triệu USD vào đầu năm nay trong vòng gọi vốn Series B3.
- Halborn: công ty an ninh mạng phục vụ cả khách hàng tài chính truyền thống và khách hàng trên blockchain đã huy động được 90 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A.
Đầu tư vào bảo mật có thể sẽ giúp giảm thiểu các vụ lừa đảo và cũng giúp các công ty thoải mái hơn khi đầu tư vào các dự án liên quan đến Web3.
Đầu tư vào Metaverse và các giao dịch M&A bùng nổ
Không gian Web3 sẽ tiếp tục thu hút các khoản đầu tư do hai lực thúc đẩy: các dự án liên quan đến metaverse và các giao dịch mua bán và sáp nhập metaverse.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, hơn 120 tỷ USD đã được đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ metaverse, cao hơn gấp đôi so với 57 tỷ USD vào năm 2021. Chúng ta có thể diễn giải một số lý do chính thu hút các nhà đầu tư và các thương hiệu:
- Tích hợp thế giới kỹ thuật số và vật lý bằng cách sử dụng thực tế hỗn hợp (MR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) ngày càng trưởng thành.
- Metaverse có tiềm năng đẩy mạnh một số ngành như khách sạn & du lịch (như xem trước và nâng cao trải nghiệm của khách hàng) và chăm sóc sức khỏe (như đẩy nhanh quá trình đánh giá và điều trị bệnh).
- Tỷ lệ thâm nhập (Penetration Rate) người dùng cao từ chơi game, sáng tạo nội dung, tương tác xã hội, học tập và đào tạo.
- Chuyển đổi thương mại điện tử và trải nghiệm khách hàng.
Nhiều ông lớn như Meta, Gucci, Nike, Starbucks và Adidas đang tích cực tham gia vào metaverse nhằm nâng cao trải nghiệm internet với khách hàng.
Starbucks cho biết họ đang chuẩn bị ra lò một bộ sưu tập NFT (Non-fungible Token), hứa hẹn sẽ “mang đến trải nghiệm độc nhất, giúp phát triển cộng đồng (khách hàng Starbucks) và tăng tương tác (giữa hãng) với khách hàng”.
Khi metaverse và NFT tiếp tục phát triển, nhiều cơ hội M&A ra đời và đẩy nhanh quá trình xây dựng trải nghiệm và giúp xây dựng các cộng đồng quy mô lớn. Trong 18 tháng qua, hoạt động M&A của Metaverse đạt tổng trị giá 77 tỷ USD tập trung vào mảng game, giải pháp AR, VR và 3D.
Web3 vẫn là một khái niệm mới, nhưng các công nghệ tiên tiến sẽ giúp cách mạng hóa các ngành công nghiệp và nâng cao trải nghiệm cuộc sống hàng ngày.