Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhà đầu tư chứng khoán có những triệu chứng nghiện giao dịch, tương tự như những người nghiện cờ bạc và đây là những người thường gặp nhiều vấn đề về tài chính.
Nghiện… giao dịch!
Dựa trên bộ dữ liệu bao gồm 214 quan sát từ các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm nghiên cứu tại Khoa Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã chỉ ra những hành vi được coi là biểu hiện điển hình của chứng nghiện cờ bạc ở một số nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hơn 58% số nhà đầu tư có hành vi nghiện giao dịch tương tự như những người nghiện cờ bạc.
Theo đó, nhà đầu tư chứng khoán có những triệu chứng nghiện giao dịch thường gặp nhiều vấn đề về tài chính hơn và có xu hướng đầu tư vào các sản phẩm phái sinh trong danh mục hơn nhóm nhà đầu tư khác. Cùng với đó, nhà đầu tư càng có nhiều vấn đề về tài chính và có thiên hướng thích đầu tư vào các sản phẩm phái sinh sẽ có nhiều khả năng trở thành “con nghiện” trên thị trường này.
Các nhà đầu tư chứng khoán cần phải liên tục tự trau dồi kiến thức, kỹ năng của mình
Lý giải nguyên nhân các “con nghiện” lựa chọn chứng khoán phái sinh, một chuyên gia phân tích, các sản phẩm phái sinh có sức hấp dẫn mạnh đối với các nhà đầu tư nói trên, bởi vì nó cho phép nhà đầu tư được giao dịch mua bán (T0) ngay, trong khi đó, chứng khoán cơ sở lại hạn chế với việc giao dịch theo quy tắc “T+3”. Một số “con nghiện” lựa chọn giao dịch phái sinh để “lướt” và “chơi” chứng khoán chứ không phải để đầu tư.
Không chỉ vậy, anh Nguyễn Đình Đông (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) – một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm cho biết, tích cực tham gia và đầu tư theo các hội/nhóm phím hàng trên mạng xã hội cũng là một biểu hiện của “nghiện” chứng khoán. Thay vì mất thời gian, công sức để tìm hiểu về một mã chứng khoán của doanh nghiệp thì những “con nghiện” chỉ xin “ba chữ cái” để đua lệnh mua cổ phiếu T+3, kể cả các cổ phiếu của doanh nghiệp không có tiềm năng, mong có thể giàu lên nhanh chóng trong thời gian ngắn trên thị trường chứng khoán.
Trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp
Để tránh trở thành những “con nghiện” trên sàn chứng khoán, theo các chuyên gia không còn cách nào khác là phải trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường này. Ông Phan Đức Hiếu, ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải có năng lực tài chính, có trình độ chuyên môn nhất định về chứng khoán.
Chính vì vậy, 2 trong số 8 giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra nhằm phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững đều có liên quan đến nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cụ thể, để cải thiện chất lượng cầu đầu tư, Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm… Đồng thời, tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường thông qua công tác truyền thông, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một chuyên gia cũng chỉ ra rằng, theo quy định, các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có giá trị thị trường các danh mục chứng khoán đầu tư trên 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp người chỉ trong vài ngày hoặc một thời gian rất ngắn mà nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị trên 2 tỷ đồng. Các trường hợp này thì không thể gọi là nhà đầu tư chuyên nghiệp được. Do đó, cần có những quy định chặt chẽ hơn.
Cùng chung nhận định này, ông Phan Đức Hiếu đề xuất, nên xem xét, rà soát quy định liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong tương lai, thị trường sẽ tự sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách.
Bên cạnh đó, để không trở thành “con nghiện” trên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần trau dồi kiến thức và kỹ năng tài chính trên thị trường, nhất là khi các sản phẩm đầu tư ngày càng phức tạp và dịch vụ tài chính ngày càng đa dạng; không “nhắm mắt” để mua bừa một mã cổ phiếu theo khuyến nghị của các hội/nhóm, nhất là không đầu tư với tâm lý “lướt sóng” nhằm hưởng lợi nhuận nhanh trong thời gian ngắn, chứa đựng nhiều rủi ro.