Theo thông báo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, nước này sẽ bổ sung dự trữ thịt lợn trong bối cảnh giá thịt lợn lao dốc.
Trung Quốc đau đầu vì thịt lợn liên tục sụt giá
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc (NDRC) cách đây 3 tuần đã phát đi cảnh báo về việc giá lợn trong tình trạng lao dốc nghiêm trọng. Theo đó, giá lợn hơi rơi cảnh liên tục sụt giảm, xuống cả mức 12,76 Nhân dân tệ/kg, tương đương với khoảng 46.000 đồng/kg.
Tại đất nước có đàn lợn lớn hàng đầu thế giới, người chăn nuôi khóc ròng vì giá thịt ngày càng giảm.
Nguyên nhân khiến cho giá lợn giảm chính là bởi nguồn cung thì tăng mà nhu cầu tiêu thụ sau Tết lại giảm. Theo dự báo của các chuyên gia, giá lợn có thể chỉ phục hồi vào giai đoạn nửa cuối năm. Được biết, tổng đàn lợn thịt và lợn nái từ cuối năm 2021 đã vượt mức so với trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra vào năm 2018.
Trong khi giá thịt lợn giảm thì thực phẩm để nuôi loài vật này lại tăng giá chóng mặt. cụ thể, tại Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giá bã đậu tương – loại thực phẩm dùng để nuôi lợn đã tăng lên 3.792 Nhân dân tệ /tấn, tương đương với khoảng 13,7 triệu đồng. So với trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá đậu tương đã tăng 13%.
Được biết, trong tháng này, Trung Quốc đang trông chờ vào nguồn cung đậu tương sản lượng lớn và giá rẻ đến từ Brazil. Nhưng nỗi lo chưa hết, các nhà nhập khẩu lo ngại khi chi phí vận chuyển tăng mạnh.
Để bình ổn thị trường thịt lợn, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã áp dụng hệ thống cảnh báo sớm ba cấp độ nhằm nâng cao cảnh báo về mức lên xuống của giá lợn hơi.
Sớm thực hiện chính sách dự trữ thịt lợn quốc gia
Theo thông tin từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, đơn vị này sẽ làm việc với các đơn vị liên quan, sớm bắt đầu công tác bổ sung lượng thịt lợn dự trữ quốc gia, đồng thời hướng dẫn chính quyền các địa phương trong hoạt động thu mua thịt lợn.
Thịt lợn vốn là mặt hàng chủ lực trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc. Bởi vậy, giải pháp dự trữ thịt lợn không chỉ giúp người nông dân mà còn giúp thực hiện chiến lược dự trữ quốc gia thịt lợn.
Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Ninh Hạ, tiếp sau đó Bắc Kinh, Giang Tây, Trùng Khánh… đã bắt đầu thu mua lợn vào kho dự trữ.
Có thể thấy, trong khi một số nhóm ngành như dầu, thép, phân bón được hưởng lợi từ chiến sự giữa Nga – Ukraine, thì chăn nuôi lại là nhóm ngành bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nga và Ukraine là 2 nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ nhất và thứ 3 thế giới. Không những vậy, 2 nước này xuất khẩu ngô đứng thứ 4 thế giới. Tình hình chiến sự khiến giá nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi rơi cảnh tăng cao. Trong khi đó, khó có thể tăng chi phí vào giá bán.