Hôm 8/11, theo như thông báo của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc thì các công ty chứng khoán sẽ không được tiếp tục sử dụng influencer (KOL) để thu hút khách hàng mới.
Theo thông tin Bloomberg đưa, các nhà quản lý Trung Quốc đã cấm các công ty môi giới thuê những influencer để thu hút khách hàng mới.
Hôm 8/11, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRB) đưa ra thông báo, buộc các công ty chứng khoán không được tiếp tục thu hút khách hàng nhờ các influencer. Theo lý giải thì họ không phải là những nhà môi giới được cấp phép. Theo thông báo này, các khuyến nghị đầu tư thông qua những buổi livestream cũng sẽ bị cấm.
CSRB cho rằng, nhân viên của các công ty môi giới nên duy trì sự khách quan và chuyên nghiệp khi bình luận về nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán trên các trang web. Ngoài ra, họ nên hạn chế sử dụng những “từ ngữ gây sốc” hoặc “trang phục kì quặc” để thu hút sự chú ý.
Có thể thấy, Trung Quốc đã tìm cách thắt chặt các biện pháp kiểm soát đối với nền kinh tế tỷ dân bằng cách siết chặt trong mọi lĩnh vực, từ nền tảng fintech đến các nhà phát triển bất động sản. Mục đích của họ là để hạn chế rủi ro tài chính.
Trước đó, trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa hoàn toàn ngành tài chính với trị giá 54 nghìn tỷ USD cho các nhà đầu tư toàn cầu, tại quốc gia này, hơn 130 công ty môi giới đã phải chịu áp lực ngày càng lớn để duy trì thị phần cũng như mở rộng các lĩnh vực mới.
Huatai Securities Co. hay East Money Information Co. – các công ty lớn tại quốc gia này cùng nhiều công ty môi giới nhỏ hơn đã hợp tác với nhiều influencer trên các mạng xã hội để thu hút khách hàng. Và các influencer được trả thù lao theo lượng truy cập.
Chiến dịch marketing bằng KOL sẽ thất thế?
Trước việc các nhà quản lý Trung Quốc đã cấm các công ty môi giới thuê những influencer để thu hút khách hàng mới thì Liu Yiqian – nhà phân tích tại Shanghai Securities Co. cho rằng, động thái mới nhất có thể tác động nhiều đến các công ty chứng khoán có tiềm lực mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội hoặc sử dụng chiến lược mở rộng khách hàng trên internet.
Theo vị này, nhiều influencer không có trình độ chuyên môn. Khi họ sử dụng những nội dung phóng đại nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng vô hình chung có thể khiến người theo dõi đưa ra các quyết định đầu tư không hợp lý.
KOL là viết tắt của từ tiếng Anh Key Opinion Leader. Hiểu đơn giản là những người có tiếng tăm với lượng theo dõi, quan tâm lớn trên mạng xã hội, có sức ảnh hưởng tới cộng đồng. Họ cũng giống như những gương mặt đang được mến mộ kiểu người viết sách, viết báo, vlogger, blogger, hay người được yêu thích trên mạng xã hội…
Các KOL có thể hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực giải trí như: ca sĩ, diễn viên, người mẫu, MC, vũ công, nhạc sĩ… hoặc những diễn giả, giảng viên, giáo viên hay chuyên gia có tiếng nói trong lĩnh vực nào đó.
Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, sử dụng KOL để quảng cáo nhãn hàng, sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp, công ty là một phương pháp marketing đang rất thịnh hành. Dưới sự giúp sức của các Kol, hoạt động marketing vô cùng hiệu quả, các doanh nghiệp sẽ có được tệp khách hàng chất lượng, tiết kiệm thời gian công sức.
Cát Anh (T/h)