Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 5,5% – thấp hơn mức mục tiêu hơn 6% quốc gia này đặt ra cho năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có dấu hiệu tăng chậm lại do dịch COVID-19 kéo dài.
Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong Báo cáo Công tác chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc tại phiên khai mạc Kỳ họp Thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa XIII ngày 5/3, chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức khoảng 5,5% cho năm 2022.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói trên thấp hơn mức mục tiêu hơn 6% đặt ra cho năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có dấu hiệu tăng chậm lại, chủ yếu do dịch COVID-19 kéo dài và sự “ảm đạm” của lĩnh vực bất động sản.
Năm 2021, kinh tế nước này tăng 8,1% tuy nhiên chỉ tăng 4% trong Quý IV trước những lo ngại về một đợt lây nhiễm COVID-19 mới và triển vọng bất ổn trên thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga sau khi nước này tấn công Ukraine cũng có thể “giáng một đòn” lên kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.
Nhưng mục tiêu tăng trưởng năm 2022 nói trên của Trung Quốc vẫn cao hơn mức tăng trưởng dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong bản cập nhật báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố hồi cuối tháng Một, IMF dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay do những yếu tố như chính sách “zero-COVID” của nước này.
Trước đó, Trung Quốc đã không đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2020 do sự bất ổn liên quan đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.
Cũng trong Báo cáo Công tác chính phủ nói trên, Chính phủ nước này cũng đặt mục tiêu tỷ lệ thâm hụt trên GDP ở mức khoảng 2,8% cho năm 2022, thấp hơn một chút so với năm ngoái và mục tiêu lạm phát, hay mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vào khoảng 3% cho năm 2022, đồng thời tạo ra hơn 11 triệu việc làm mới ở đô thị và tỷ lệ thất nghiệp đô thị nhìn chung không quá 5,5% trong năm nay. Họ cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2022, cho rằng chính sách tài khóa chủ động của Trung Quốc nên hiệu quả hơn, có mục tiêu hơn và bền vững hơn.
Trung Quốc nhấn mạnh ổn định kinh tế phải được ưu tiên hàng đầu trong công tác của chính phủ năm 2022 và tiến độ phải được theo đuổi đồng thời với việc đảm bảo sự ổn định. Báo cáo nhấn mạnh thêm, đối mặt với áp lực suy thoái mới, nhiệm vụ đảm bảo tăng trưởng ổn định cần phải chiếm một vị trí quan trọng hơn nữa.
Cũng theo báo cáo, quốc gia này sẽ tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19 như thường lệ một cách hiệu quả để ngăn chặn các ca bệnh nhập cảnh và các vụ tái bùng phát dịch trong nước.
Theo báo cáo, Trung Quốc đã hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ chính cho năm ngoái và có một khởi đầu tốt đẹp cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025).