Một quan chức trung ương của Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng, lạm phát đình trệ có thể đè nặng lên nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của nước này trong năm tới. Động thái này cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy, chính phủ Trung Quốc có thể đang cân nhắc thực hiện một số biện pháp tích cực, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bao gồm việc giảm lãi suất cho vay lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Liu Shijin – một thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ, thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, trong một diễn đàn trực tuyến được tổ chức vào ngày 21 tháng 11, rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể phải đối mặt với “lạm phát gần như đình trệ” những tháng còn lại của năm nay và đến năm 2022, nếu lượng cầu tiếp tục gặp khó khăn và chi phí vận chuyển hàng hóa khỏi các nhà máy Trung Quốc vẫn ở mức cao.
Ông Liu chia sẻ:
“Chúng ta cần hết sức lưu ý vấn đề này, vì nếu lạm phát đình trệ xảy ra, nó không chỉ ảnh hưởng đến quý IV mà còn tác động đến cả năm sau”.
Lạm phát đình trệ – khi tỷ lệ lạm phát cao nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại – có thể là vấn đề, vì các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, chẳng hạn như tăng lãi suất, có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng hơn nữa. Trong khi đó, các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng lại có nguy cơ khiến giá tiếp tục tăng.
Ngay cả trong cảnh báo của mình, ông Liu vẫn kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng hơn 6% trong năm.

Nền kinh tế Trung Quốc đã gặp rủi ro liên tiếp trong những tháng gần đây. Cùng với việc gia tăng lạm phát giá sản xuất trong các nhà máy trên thế giới, đất nước này cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, đồng thời là sự suy thoái lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh vào tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc, ông Li Keqiang đã thừa nhận những lo ngại này, rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với “những áp lực đi xuống mới.” Ông gọi các đợt bùng phát Covid-19 gần đây, lũ lụt nghiêm trọng, giá hàng hóa tăng cao và thiếu hụt năng lượng là những mối quan tâm chính.
Ông Li cũng chia sẻ rằng, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào việc hỗ trợ “những người chơi trên thị trường”, bao gồm các công ty sản xuất và doanh nghiệp nhỏ, bằng cách giảm thuế hoặc giảm chi phí hành chính.
Trung Quốc có thể hạ lãi suất
Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group, đã viết trong một báo cáo công bố vào ngày 21 tháng 11 rằng:
“Mối quan tâm về sự tăng trưởng chậm lại rõ ràng đang gia tăng giữa các nhà kỹ trị tại các cơ quan chính phủ khác nhau”.
Các nhà phân tích cũng nghi ngờ rằng, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể xem xét cắt giảm lãi suất, hoặc thực hiện các phương pháp khác nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, các thay đổi này vẫn chưa diễn ra. Vào ngày 22 tháng 11, ngân hàng trung ương vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản – một tỷ lệ chuẩn mà các ngân hàng tính phí khách hàng doanh nghiệp đối với các khoản vay mới – không thay đổi trong tháng 11, tháng thứ 19 liên tiếp.
Trước tình hình trên, các nhà phân tích từ Capital Economics vẫn cho rằng, sẽ không lâu nữa ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu có chính sách giảm lãi suất.
Một bộ phận khác mong đợi ngân hàng trung ương sẽ bổ sung thêm lựa chọn. Thay vì thay đổi lãi suất, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết, họ mong đợi nhiều chính sách hỗ trợ có mục tiêu hơn dành cho phát triển xanh hay các công ty vừa và nhỏ.