Bộ Tài chính Trung Quốc vào ngày 16/12 cho biết, trong năm tới, quốc gia này sẽ áp tăng thuế nhập khẩu thịt lợn.
Tăng thuế nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc trở lại mức 12%
Tuyên bố đã được đưa ra trong bối cảnh hậu dịch tả lợn châu Phi, tốc độ tái đàn lợn tại quốc gia này diễn ra rất nhanh chóng. Sắc thuế tối huệ quốc (MFN) đối với các quốc gia được ưu đãi sẽ tăng trở lại ở mức 12%, bắt đầu từ 1/1/2022. Hiện tại, nó đang ở mức 8%.
Vào năm 2020, đối mặt với việc giá thịt lợn trong nước tăng vọt sau các đợt dịch bệnh tả lợn châu Phi, Chính phủ nước này đã giảm thuế cho sản phẩm thịt lợn đông lạnh từ 12% xuống 8%.
Theo hải quan thống kê, trong nửa đầu năm 2021, lượng thịt Trung Quốc nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao dù rằng đàn lợn trong nước đã hồi phục, quý III, giá thịt lợn cũng giảm xuống dưới giá thành sản xuất.
Theo như nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc – Zhu Zengyong, việc điều chỉnh tỷ giá đúng thời điểm giúp đảm bảo nguồn cung, đồng thời ổn định giá cả trên thị trường nội địa.
Có thể thấy, việc tăng thuế nhập khẩu đối với thịt sẽ tiếp tục khiến việc nhập khẩu từ Mỹ, Tây Ban Nha – các nhà xuất khẩu hàng đầu đến thị trường này chậm lại. Trong khi những tháng gần đây, việc xuất khẩu cũng đã giảm mạnh.
Dữ liệu từ hải quan cho thấy, tháng 10, lượng thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc so với cùng kỳ năm ngoái giảm khoảng 40%, còn khoảng 200.000 tấn. Đến thời điểm hiện tại, lượng thịt nhập khẩu trong năm giảm có 8% so với cùng kỳ, còn 3,34 triệu tấn.
Tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, giá thịt lợn tại Trung Quốc tính đến cuối tháng 11/2021 tăng 35%, đạt 24 nhân dân tệ, tương đương với 3,76 USD/kg. Các chuyên gia dự đoán, nguồn cung trong 2 tháng tới dự kiến sẽ tăng, có khả năng vượt qua lượng cầu. Đồng nghĩa với việc, giá thịt lợn có thể giảm trong 2 tháng tới. Thậm chí, diễn biến này có thể kéo dài sang cả quý I/2022.
Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dịp cuối năm
Ở một diễn biến khác, mới đây, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc đang thực hiện siết chặt kiểm soát dịch COVID-19 theo chiến lược “Zero COVID”. Bởi vậy, hầu hết các nước sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu rau quả đi các quốc gia, vùng lãnh thổ qua các cảng trung chuyển tại miền Nam Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, rau quả 80% được xuất khẩu bằng đường biển với kim ngạch đạt từ 3-3,5 tỷ đồng/năm. Trung Quốc là thị trường lớn nhất về xuất khẩu rau quả của Việt Nam với tổng kim ngạch ước đạt khoảng 1,8 tỷ USD, chiếm khoảng 55% thị phần rau quả xuất khẩu của nước ta.
Việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn trong ít nhất 6 tuần dịp Tết Nguyên đán 2022 nếu Trung Quốc áp dụng lệnh cách ly thủy thủ đoàn một cách nghiêm ngặt.
Bởi vậy, ông Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần lưu ý để điều chỉnh kế hoạch thương mại. Trong đó các doanh nghiệp đặc biệt lưu ý trong việc tăng cường bảo quản hàng hoá trong trường hợp xuất khẩu theo đường bộ với thời gian có thể kéo dài tới 3-4 tuần.
Xem thêm: Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc gặp khó dịp Tết Nguyên đán 2022
Cát Anh (T/h)