Theo JPMorgan Chase, Trung Quốc hiện là một “thiên đường trú ẩn” cho nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu vì nước này đang nới lỏng chính sách trong bối cảnh hầu hết các quốc gia khác thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ông Mixo Das, chiến lược gia chứng khoán khu vực châu Á tại JPMorgan, cho biết: “Nếu các nhà đầu tư đang xem xét những thách thức trên tất cả các thị trường, thì Trung Quốc thực sự nổi bật như thiên đường trú ẩn an toàn trước nhiều rủi ro đó.”
Sự lạc quan đối với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, cùng với các động thái nới lỏng chống dịch của Trung Quốc ngay cả khi nước này tuân theo phương pháp Covid-Zero đưa điểm chuẩn CSI 300 đang gần bước vào một thị trường tăng giá. Chỉ số này đã tăng gần 19% từ mức thấp vào tháng 4.
Ông Das cho biết thêm việc Trung Quốc nới lỏng một số biện pháp chống dịch khiến thị trường chứng khoán của nước này “có chuyển biến rất tốt”, đặc biệt là khi đưa ra mức định giá tương đối rẻ. Một thước đo quan trọng đối với cổ phiếu nội địa Trung Quốc đang cao gấp 13,1 lần so với ước tính thu nhập tương lai của 12 tháng, trong khi thước đo này của chỉ số S&P 500 là 16 lần.
Theo tờ Reuters, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 28/6 thông báo sẽ giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người từ nước ngoài đến, từ 14 ngày xuống còn 7 ngày trong cơ sở do chính quyền quản lý và thêm 3 ngày tự cách ly tại nhà, thay vì 7 ngày như trước. Đây được cho là thay đổi lớn từ khi Trung Quốc đóng cửa biên giới để phòng dịch vào năm 2020. Việc nới lỏng quy định diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Covid-19 được cho là có dấu hiệu khả quan.
Cùng ngày 28/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế sau sự bùng phát của làn sóng đại dịch Covid mạnh nhất 2 năm từ tháng 3/2022.
Theo một bản báo cáo của PBOC được công bố đầu tuần này, Thống đốc PBOC Yi Gang cho biết chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ tiếp tục được điều chỉnh để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. Đồng thời, ông Yi Gang cũng nhấn mạnh “Ưu tiên cao nhất của PBOC hiện nay là duy trì giá cả ổn định và tối đa hoá việc làm”.
Giới quan sát đánh giá các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của PBOC từ đầu năm đến nay ở mức “khá khiêm tốn” do nhu cầu tín dụng tại Trung Quốc suy yếu khi nước này áp dụng các biện pháp phong toả diện rộng nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch Covid-19. Đồng thời, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ đi đầu là Fed nhằm kiềm chế lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu đã thu hẹp dư địa chính sách của PBOC.
Sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa PBoC và Fed đã xóa sổ mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc và Mỹ, châm ngòi cho dòng vốn tháo chạy và kéo đồng nhân dân tệ đi xuống. Do đó, Trung Quốc đã tránh tung ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ để hỗ trợ đồng nhân dân tệ.