Cuộc khủng hoảng điện làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các nhà máy. Tuy nhiên, xuất khẩu tháng 9 của Trung Quốc vẫn tăng bất chấp lên con số 28,1%.
Kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục mới
Sức mua nội địa yếu, bởi thế xuất khẩu là động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch.
Ngày 13/10, theo Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu đã đạt kỷ lục mới trong tháng 9, với 305,7 tỷ USD. Trước đó, các nhà kinh tế dự đoán con số tăng chỉ là 21,5%. Nhưng trên thực tế, mức tăng trưởng đã vượt dự báo, ở 28,1%.
Mặc dù vậy, các nhà xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức như chi phí vận chuyển hàng hóa cao, giá nguyên liệu thô tăng, thiếu điện và các hạn chế về môi trường.
Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong nêu quan điểm, các nhà máy có thể đã gấp rút hoàn thành đơn hàng trước kỳ nghỉ Quốc khánh một tuần hồi đầu tháng 10. Đây chính là lý do giúp thúc đẩy sản lượng xuất khẩu.
Còn David Qu, Nhà kinh tế Trung Quốc của Bloomberg Economics cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 9 cho thấy nhu cầu bên ngoài đang hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên vị này nhận định, điều đó dường như không đủ để bù đắp áp lực đi xuống do thiếu điện và căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản, đang làm tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Đồng quan điểm, Raymond Yeung – Nhà kinh tế trưởng về thị trường đại lục tại Australia & New Zealand Banking Group cũng cho rằng, các số liệu xuất khẩu không thể bù đắp được sự suy giảm của nền kinh tế trong nước.
Theo Raymond Yeung nhận định, Trung Quốc cần phải vượt qua những hạn chế về nguồn cung trên một số mặt, đặc biệt là tình trạng thiếu điện”.
Jian Chang, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Barclays có góc nhìn xa hơn. Theo đó, ông cho rằng nhu cầu thế giới với hàng hóa Trung Quốc có thể bắt đầu giảm bớt sau khi khách hàng đã đặt mua xong mùa Giáng Sinh. Kèm theo đó là các dẫn chứng chỉ số về đơn hàng xuất khẩu mới, cùng với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đều đã suy yếu hơn trong tháng 9.
Phát ngôn viên Tổng cục Hải quan Li Kuiwen cũng dự báo tăng trưởng thương mại trong quý IV của Trung Quốc có thể chậm lại. Nguyên nhân bắt nguồn từ số liệu thương mại của nước này vào cùng kỳ năm ngoái vốn đã cao. Chưa kể, các vấn đề hậu cần cũng sẽ tạo ra tác động.
Ngược lại, nhập khẩu tại Trung Quốc giảm tốc còn 17,6%, thấp hơn mức dự báo trước đó là 20,9%. Thặng dư thương mại của nước này là 66,8 tỷ USD. Tăng trưởng nhập khẩu giảm do nhu cầu trong nước suy yếu và suy thoái bất động sản đè nặng lên nền kinh tế.
Nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề do thiếu điện
Việc cắt giảm điện đột ngột đang tác động trực tiếp lên nền kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, trái ngược với dự báo của giới quan sát, hoạt động sản xuất chế tạo của nước này trong tháng 9 đã bất ngờ sụt giảm.
Đây là lần đầu tiên kể từ hồi tháng 2/2020, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc giảm dưới ngưỡng 50 điểm. Theo NBS, sự sụt giảm chỉ số PMI trong tháng vừa qua chủ yếu do tình trạng thiếu hụt năng lượng, mất điện diện rộng khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn.
Dù tác động đến hầu hết các ngành kinh tế, nhưng thiếu điện đã tác động chủ yếu đến 2 lĩnh vực chủ chốt là xây dựng và sản xuất, chiếm gần 70% tiêu thụ điện của Trung Quốc trong năm ngoái và giữ vai trò trụ cột đối với sự phục hồi của nền kinh tế trong năm nay.
Goldman Sachs cho biết trong 1 báo cáo mới đây, họ đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho năm 2021 từ 8,2% xuống 7,8%.
Thông báo mới nhất công bố ngày 5/10, Ủy ban Quản lý Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu về việc thực hiện các biện pháp đảm bảo nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp công nghiệp, bao gồm điện than.
Các tổ chức ngân hàng và bảo hiểm được kêu gọi hỗ trợ tài chính cho các công ty cung cấp năng lượng trong mùa Đông và Xuân sắp tới. Ngoài ra, các tổ chức này còn hỗ trợ tích cực cho các khu vực sản xuất than lớn và các công ty than trọng điểm để tăng nguồn cung nhiệt điện, đảm bảo điện sinh hoạt cho các hộ gia đình.
Cát Anh (T/h)