Vừa qua, truyền thông quốc tế đưa tin, Tập đoàn Amazon đang đối mặt với vụ kiện trị giá 280 triệu USD từ Công ty Gilimex (Việt Nam). Amazon bị cáo buộc đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng và “nhanh chóng chấm dứt thỏa thuận với Gilimex vào tháng 5 năm nay”, theo đơn kiện gửi lên Tòa án Tối cao New York (Mỹ).
Do đó, Gilimex tố Amazon “làm thương mại không công bằng”, vi phạm hợp đồng và vi phạm nghĩa vụ ủy thác.
Theo hồ sơ vụ kiện, Gilimex cho biết họ là đối tác chính của Amazon từ năm 2014 đến năm 2022 và đã đầu tư hàng chục triệu USD, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy. Việc sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm. Hành động của Amazon khiến họ phải nắm giữ hàng tồn kho và nguyên liệu thô vô giá trị.
Gilimex làm ăn ra sao trước khi đệ đơn kiện khách hàng lớn nhất?
Trong ngành dệt may của Việt Nam, Gilimex (GIL) không phải là một gương mặt xa lạ. Thành lập năm 1982, Gilimex có tên đầy đủ là CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh. Hoạt động chính của Gilimex là sản xuất, gia công, thương mại, xuất khẩu các sản phẩm thuộc ngành may và cho thuê khu công nghiệp.
Hiện công ty có 14 công ty con và 1 công ty liên kết, cùng 158 dây chuyền may tại Nhà máy Bình Thạnh, Thạnh Mỹ và các nhà máy vệ tinh.
Theo Mirae Asset Vietnam Research, 85% doanh thu xuất khẩu của Gilimex đến từ khách hàng Amazon, với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD vào năm 2021. Từ khi bắt tay với Amazon, kết quả kinh doanh của Gilimex liên tục tăng nhanh với tăng trưởng doanh thu trung bình năm đạt trên 20%.
Đặc biệt, khi kênh thương mại điện tử bùng nổ trong giai đoạn Covid-19, bên bán lẻ thứ 3 như Gilimex chiếm được lợi thế cạnh tranh rất lớn. Doanh thu của Gilimex đến năm 2021 đã vượt mốc 4.000 tỷ. Từ Q4/2021 đến Q2/2022, doanh thu của công ty này đều đặn dao động trong khoảng 1.300 tỷ/quý, thuộc top cao hàng đầu ngành.
Tuy nhiên, sang đến Q3/2022, doanh thu của Gilimex đột ngột lao dốc trầm trọng xuống chỉ còn hơn 213 tỷ đồng, giảm đến 83% so với quý II liền kề và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021 – mức đáy khó tin nếu nhìn vào những gì Gilimex từng có được trong một quý.
Doanh thu lũy kế sau 9 tháng chủ yếu do 2 quý đầu năm đóng góp, còn lãi phần lớn lại nhờ vào thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết trong quý III mà không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Nguồn: BCTC Q3/2022 của Gilimex
Sự xuống dốc của Gilimex là hết sức bất thường nếu đặt lên bàn cân với loạt tên tuổi cùng ngành như TNG, May Sông Hồng, Dệt may Thành Công (TCM)… khi họ đều ngược dòng chạm đỉnh doanh thu mới, thăng hoa lên mốc hàng nghìn tỷ. Trước đó, sức cạnh tranh của Gilimex vẫn ngang ngửa các đối thủ, thậm chí quý đầu năm doanh thu công ty đứng top 2 chỉ sau Việt Tiến.
Một đối tác gia công cho Gilimex là Garmex Sài Gòn (GMC) cũng bị liên đới và rơi vào cảnh ngộ tương tự. Doanh thu Q3/2022 của GMC trôi tuột từ hàng trăm tỷ xuống vỏn vẹn 11 tỷ. Gilimex cũng đang là cổ đông lớn (năm 7,09% vốn) tại GMC.
Tính đến cuối Q3/2022, tổng tài sản của Gilimex là 4.268 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho của công ty tăng tới 70% so với đầu năm lên 1.278 tỷ đồng.
Khó khăn của Amazon chính là yếu tố tác động trực diện đến kết quả kinh doanh của Gilimex
Làn sóng phản hồi tiêu cực đang đổ dồn về Amazon sau khi tin kiện tụng nổ ra, song việc Amazon thu hẹp ký kết đơn hàng với Gilimex có thể nhìn nhận là một hệ quả tất yếu.
Báo cáo thường niên của Amazon ghi nhận, tổng diện tích kho hàng của họ đã tăng từ 25 triệu m2 vào cuối năm 2019 lên gần 49 triệu m2 vào cuối năm 2021 – tăng gấp đôi trong 2 năm. Với tốc độ mở rộng quy mô “nóng”, khi trở lại bình thường mới, nhu cầu mua sắm online hạ nhiệt, Amazon phải điều tiết việc mở rộng chậm lại.
Bên trong một kho hàng của Amazon. Ảnh: Reuters
2 quý liên tiếp, Amazon đã ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ, chủ yếu đến từ việc đầu tư vào diện tích kho hàng, trung tâm phân phối lượng chi phí quá lớn (2 tỷ USD liên quan đến việc vượt quá công suất).
Khi công suất dư thừa bởi nhu cầu TMĐT không còn cao đột biến, doanh thu không đủ bù lại chi phí, phương án của Amazon là tận dụng tối đa không gian đang có, cho thuê không gian dư thừa và dừng việc mở rộng. Giữa tháng trước, Amazon đã bắt đầu sa thải nhân sự hàng loạt để cắt giảm chi phí và việc này dự kiến kéo dài đến sang năm 2023.
Hành động đột ngột của Amazon có thể khó chấp nhận, nhưng thực tế, việc phải đương đầu với rủi ro khi đứng trên vai “người khổng lồ” đã từng được Gilimex nghĩ đến. Nhằm tránh phụ thuộc hoàn toàn vào kênh online của các đại gia bán lẻ thế giới, năm 2020, Gilimex đã lấn sân sang mảng bất động sản KCN để mở rộng cơ cấu doanh thu.
Gilimex đang đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Phú Bài 4 với tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2022. Một dự án khác là Khu công nghiệp Gilimex – Vĩnh Long mới chỉ được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2022. Song do các dự án chủ yếu đang trong giai đoạn đầu tư nên vẫn chưa đem lại giá trị tài chính cao cho Gilimex.
Mảng xuất khẩu dệt may của Gilimex sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn
Trước khi xảy ra tranh chấp, đến quý 2/2022, Amazon vẫn là khách hàng lớn của Gilimex, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán DSC, Amazon đã gia hạn hợp đồng với Gilimex từ tháng 7/2022, song giá trị và lượng đơn hàng có xu hướng giảm trong 2 quý cuối năm do lo ngại lạm phát hạn chế nhu cầu bán lẻ.
Với tình hình thị trường hiện nay, mảng xuất khẩu dệt may của Gilimex sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn. Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định, ngành dệt may sẽ đối mặt với sự sụt giảm mạnh đơn hàng trong 2 quý tới trong bối cạnh lạm phát cao làm suy yếu nhu cầu may mặc toàn cầu.
Trong tiền lệ, việc doanh nghiệp may mặc bị động do phụ thuộc khách hàng nước ngoài không phải lần đầu tiên diễn ra. Cách đây vài năm, May Sông Hồng và TCM cũng từng phải chật vật khi các đối tác lớn của họ tại Mỹ đâm đơn phá sản.