Bộ Công Thương cho biết, 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép hoạt động.
Lý do 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép
Do thiếu các điều kiện kinh doanh xăng dầu như thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu đại lý hoặc thiếu kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký, cấp giấy phép thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu… mà 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép, cụ thể:
Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng đối với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát kể từ ngày 26/7.
Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh kể từ ngày 18/7.
Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng đối với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV kể từ ngày 13/7.
Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng đối với Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil kể từ ngày 28/7.
Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng đối với Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm kể từ ngày 19/7.
Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng đối với Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro kể từ ngày 12/7.
Công văn của thanh tra Chính phủ
Mới đây, Thanh tra Chính phủ cũng đã có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 16 doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc phải cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc cử tổ công tác làm việc, thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra năm 2022.
Cơ quan thanh tra yêu cầu các bộ ngành, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo việc lập, quy hoạch thương nhân kinh doanh xăng dầu; quy trình cấp phép xuất nhập khẩu cũng như sản xuất, pha chế mặt hàng này tại các doanh nghiệp, thông tin chi tiết về quy trình dự trữ lưu thông, dự trữ xăng dầu quốc gia tại các đơn vị, trách nhiệm của họ về việc đảm bảo cung cầu trên thị trường.
Cơ quan thanh tra còn yêu cầu báo cáo về quy trình trích, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu; tồn tại cũng như hạn chế của quỹ. Thanh tra Chính phủ đề nghị báo cáo việc niêm yết công khai giá; kiểm tra, kiểm soát giá…
Các bộ làm rõ về tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành giá xăng dầu, cung cấp thông tin, tham mưu để ban hành cơ chế, chính sách quản lý mặt hàng này.