Năm 2022, Vietnam Airlines chậm 11.486 chuyến trên tổng số 115.987 chuyến bay khai thác, tương đương gần 12,5%.
Vietnam Airlines năm 2022 chậm 11.486 chuyến
Cục Hàng không công bố thông tin hôm 6/2 cho thấy, năm 2022, 6 hãng bay trong nước thực hiện khai thác tổng cộng 312.841 chuyến. Trong đó, tỷ lệ số chuyến cất cánh đúng giờ chiếm 89,7%, so với năm 2021 giảm 5%.
Hãng thực hiện nhiều chuyến bay nhất là Vietnam Airlines với 115.987 chuyến. Ở vị trí tiếp theo là Vietjet với 115.349 chuyến, Bamboo Airways đứng ở vị trí thứ 3 với 51.959 chuyến. Hãng hàng không Pacific Airlines thực hiện 16.567, Vasco thực hiện 8.084, Vietravel Airlines thực hiện 4.895 chuyến bay.
Dù khai thác số lượng chuyến bay lớn nhất nhưng, Vietnam Airlines cũng là hãng có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất ở mức gần 12,5%, tương đương 14.486 chuyến bay. Trong khi vào năm 2021, hãng bay Vietnam Airlines bay đúng giờ thứ nhì thị trường, tỷ lệ là 95%.
Tỷ lệ chậm chuyến của Vietjet vào năm 2022 là 11,5%, ở mức 13.310 chuyến bay. Tỷ lệ này chỉ kém Vietnam Airlines. Vietjet là hãng có số lượng chuyến bay bị “delay” nhiều nhất vào 2 năm trước.
Tỷ lệ bay chậm chuyến tiếp theo lần lượt là các hãng Vasco (7,9%), Vietravel Airlines (7%), Bamboo Airways (4,8%). Phần lớn lý do chậm chuyến của các hãng là tàu bay về muộn với tỷ lệ 67,6%.
Năm ngoái có 1.155 chuyến bay bị huỷ. Trong đó, Vietnam Airlines huỷ 715 chuyến, Vietjet huỷ 266 chuyến.
Vietnam Airlines gánh trên vai khoản nợ hơn 70.000 tỷ
Trong báo cáo tài chính hợp nhất CTCP Vietnam Airlines quý IV/2022, Vietnam Airlines (công ty mẹ) tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế -2.662 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với quý 4 năm trước.
Tính đến ngày 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ -10.452 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu -10.199 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV của “anh cả” hàng không đạt 19.573 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nhưng giá vốn tăng cao hơn đã khiến HVN có khoản lỗ gộp 827 tỷ đồng tăng 193 tỷ đồng so với năm 2022.
Lãi tiền vay tăng và lỗ chênh lệch tỷ giá 538 tỷ đồng đã khiến chi phí tài chính tăng gấp 3,6 lần lên 1.023 tỷ đồng.
Phần lỗ trong công ty kinh doanh liên kết lên tới 65,8 tỷ đồng, chủ yếu là tăng các khoản lỗ tại Công ty mẹ, Pacific Airlines, Công ty dịch vụ mặt đất. Nợ phải trả của hãng hàng không này lên tới 70.777 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chỉ còn 12.300 tỷ đồng, áp lực thanh khoản rất lớn khi mà tiền mặt chỉ còn lại 3.400 tỷ đồng.