Để phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ủng hộ nới bội chi, nợ công trong khả năng kiểm soát.
Trong phiên chất vấn vào chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; Giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh;
Ngoài ra, ông cũng trả lời về công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan đến nhóm vấn đề này còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước…
Bỏ lỡ cơ hội phát triển nếu không nới bội chi và nợ công
Đại biểu cho rằng, nhiều chuyên gia nói, cần gói hỗ trợ đủ lớn, đặc biệt là gói tiền mặt tương đương 3-4% GDP để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch sẽ làm tăng nợ công, tăng bội chi, nợ Chính phủ. Trong khi đó, nếu không có các giải pháp đủ lớn thì nền kinh tế chậm phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước. Kèm theo đó là nhiều hệ lụy tiêu cực.
Trước câu hỏi: “Chúng ta chấp nhận vượt trần ngân sách, tăng nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều?”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu hỗ trợ tiền mặt, cấp tiền cho người dân thì nguy cơ lớn sẽ rủi ro làm tăng lạm phát.
Cá nhân Bộ trưởng ủng hộ nghiên cứu nới bội chi và nợ công và trong khả năng kiểm soát. Theo ông, nếu không nới bội chi và nợ công, chúng ta sẽ bỏ một loạt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dân số vàng, các hiệp định thương mại tự do, những chuyển dịch mới.
Nếu không nới bội chi và nợ công sẽ khó tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng thì khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm và khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển.
Giải thích thêm, ông cho rằng, điều đó sẽ giúp phát triển, giải quyết việc làm, làm cho quy mô nền kinh tế lớn hơn. Khi đó, tự khắc nợ công giảm xuống (dù không thể xuống như cũ).
Xây dựng 5 nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu kép
Về các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu kép trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ đã xây dựng 5 nhóm giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất: Tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch, thực hiện Nghị quyết 128 một cách thắt chặt an toàn, có lộ trình phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch và khả năng tiêm vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục.
Thứ hai: Tập trung hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm. Tiến hành hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội…
Thứ ba: Hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp – nhóm bị ảnh hưởng và khả năng chống chịu bị bào mòn rất nhiều. Bộ sẽ xem xét trình Quốc hội, các cơ quan liên quan cho phép kéo dài các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí.
Doanh nghiệp trong một số lĩnh vực ưu tiên sẽ được hỗ trợ cấp bù lãi suất. Ngành và lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số… sẽ có một số chính sách riêng.
Thứ tư: Phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP để thực hiện các hạ tầng này; đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược và những công trình trọng điểm quốc gia mang tính động lực lớn lan tỏa, kết nối để phát triển bền vững trong thời gian tới, công trình an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, ứng phó với biến đổi…
Thứ năm: Tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư; đi kèm với nó là chính sách về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cát Anh (T/h)