Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, BĐS nghỉ dưỡng đang kỳ vọng vaccine phòng Covid-19 như “liều thuốc” chữa lành tổn thương của phân khúc này trên thị trường.
“Liều thuốc” vaccine chữa lành thị trường nghỉ dưỡng
Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, với mục tiêu phấn đấu đưa cả nước chuyển sang “trạng thái bình thường mới” nhanh nhất có thể, đồng thời thực hiện mục tiêu kép là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với việc khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến ngày 27/9, cả nước đã tiêm được hơn 40,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó có khoảng 23 triệu người đã được tiêm 1 liều vaccine và 8,6 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm tối thiểu 1 liều vaccine đạt 43,9 %.
Bộ Y tế cũng cho biết, từ tháng 10 đến tháng 12/2021, Việt Nam có khả năng tiếp nhận số lượng vaccine Covid-19 nhiều hơn so với giai đoạn trước. Như vậy, độ phủ của vaccine trên toàn quốc đang ngày càng mở rộng.
Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, việc tiêm chủng toàn quốc đẩy mạnh, kiểm soát được dịch bệnh, tạo được miễn dịch cộng đồng sẽ quyết định đến số phận của thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng – phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.
Kịch bản thị trường trong thời gian tới sẽ chịu sự ảnh hưởng không nhỏ từ thành công của chiến dịch tiêm chủng vaccine. Tại các quốc gia có tốc độ tiêm chủng vaccine đạt 50 – 55% như Na Uy, Thụy Điển, Mỹ, tốc độ tăng giá bất động sản đã đạt từ 9 – 10%. Song đó đó, con số này ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine hoàn thành dưới 50% thấp hơn rất nhiều.
Đồng quan điểm với ông Quốc Anh, Giám đốc Savills Hà Nội, ông Matthew Powell nhận định, khi độ phủ vaccine ngày càng tăng cao trên toàn quốc sẽ giúp du lịch mở cửa, tạo đà cho sự hồi sinh và phát triển của BĐS nghỉ dưỡng. Phân khúc này sẽ tiếp tục tăng trưởng, hàng loạt khách sạn quốc tế sẽ gia nhập thị trường trong thời gian tới, đến những thương hiệu lớn như: Wink, Dusit, Eastin, Grand Mercure, Lotte, Fairmont, Four Seasons.
Nhiều chủ đầu tư hồ hởi tung hàng sau giãn cách
Giám đốc Savills Hà Nội cũng chia sẻ, mặc dù dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn ổn định nhưng nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn bày tỏ sự quan tâm tới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng cao, ở cả các dự án đang hoạt động hay đang trong quá trình phát triển.
Sở dĩ thị trường nghỉ dưỡng nóng trở lại là bởi các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn về tiềm năng phục hồi và phát triển của BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam sau dịch, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại.
Chính bởi sự lạc quan này mà ngay sau khi đợt giãn cách lần thứ 4 được nới lỏng ở nhiều địa phương, nhiều chủ đầu tư đã hồ hởi tung hàng bằng việc đẩy mạnh giới thiệu dự án.
Các dự án sắp giới thiệu được kỳ vọng sẽ tạo diện mạo đô thị mới, đồng thời là sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước.