SBS tăng vốn khủng “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư chiến lược
Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Công ty dự kiến trình phương án phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức phát hành riêng lẻ, phát hành thêm 150 triệu cổ phần, tương ứng 1.500 tỷ đồng, cao hơn cả số cổ phiếu hiện đang lưu hành của SBS là 126,6 triệu cổ phiếu tức vốn điều lệ 1.260 tỷ đồng.
Sau phát hành, vốn điều lệ của SBS sẽ đạt 2.760 tỷ đồng. Công ty sẽ dùng 1.100 tỷ vào hoạt động đầu tư tự doanh chứng khoán, 400 tỷ vào hoạt động môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ.
Nhu cầu vốn sau khi tăng vốn
Đối tượng tham gia đợt chào bán bao gồm nhà đầu tư chiến lược và sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2022 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận.
Với hình thức phát hành riêng lẻ với tỷ lệ hơn gấp 2 lần vốn điều lệ cũ, công ty đang “trải thảm đỏ” để đón nhà đầu tư chiến lược xuất đầu lộ diện sau thời gian dài âm thầm đứng phía sau gom cổ phiếu SBS. Diễn biến tại công ty có nhiều điểm tương đồng với thương vụ VPBank thâu tóm chứng khoán ASC khi ASC đã tăng vốn gấp 33 lần từ 269 tỷ đồng lên mức 9.000 tỷ sau thương vụ thâu tóm.
Động thái này của SBS đặt trong bối cảnh các cổ đông lớn và gắn bó nhiều năm của SBS thời gian qua lần lượt rút vốn cho thấy cuộc thâu tóm âm thầm đã đến hồi kết.
Ngày 21/12 vừa qua, bà Hà Thị Thu Hồng chính thức không còn là cổ đông lớn của SBS sau khi liên tục bán ra 10,4 triệu cổ phiếu trong tháng 2 vừa qua, giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 19,49% – cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp. Bà Lưu Thị Lợi đã quyết định bán ra bộ 21 triệu cổ phiếu SBS, tương ứng 16,5% vốn điều lệ của doanh nghiệp vào cuối năm 2021. Bản thân Sacombank – cổ đông sáng lập SBS cũng có chủ trương thoái vốn tại mảng chứng khoán để cơ cấu các khoản đầu tư không hiệu quả. Hiện Sacombank chỉ còn nắm giữ 15,95% vốn điều lệ tại SBS và sau khi tăng vốn tỷ lệ sở hữu của STB lại SBS chỉ còn một nửa.
Về giá cổ phiếu, SBS chốt phiên ngày 15/4 ở mức 13.500 đồng/cổ phiếu, giảm 26,2% so với diễn biến thị trường chung. Tuy nhiên so với đầu năm 2021, mức giá đã tăng 3,5 lần.
Các cổ đông lâu năm lần lượt thoái vốn, giá cổ phiếu SBS cũng tăng mạnh theo đà tăng. Một thế lực “bí ẩn” đã gom vào lượng lớn cổ phiếu trên sàn và các cổ đông lâu nhưng vẫn chưa lộ diện.
Đổi tên công ty, đổi trụ sở, chuyển sàn
Hội đồng quản trị cũng trình đại hội cổ đông đổi tên doanh nghiệp và đổi trụ sở chính. Trụ sở hiện nay của doanh nghiệp đặt tại 278 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 TP HCM. Trụ sở dự kiến thay đổi sẽ được uỷ quyền cho Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc doanh nghiệp chọn địa điểm phù hợp.
Tên công ty mới cũng được uỷ quyền cho Hội đồng quản trị, Tổng giám dốc quyết định tên mới phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài, bền vững kể từ năm 2022. Theo đó, SBS sẽ thay đổi các nhận diện thương hiệu, thay đổi logo, màu sắc, tên viết tắt, giao dịch bằng tiếng Việt, tên giao dịch bằng tiếng anh, mã chứng khoán, mã thành viên…
SBS cũng dự kiến chuyển sàn sang HOSE trong giai đoạn 2023-2024 sau khi phát hành tăng vốn thành công.
Nỗ lực xoá lỗ luỹ kế hơn 1.300 tỷ đồng
Năm 2022, SBS lên kế hoạch doanh thu thuần khoảng 250-350 tỷ đồng, chi phí hoạt động khoảng 200-250 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh SBS dự kiến khoảng 250-100 tỷ đồng.
“Kết quả lợi nhuận trên Ban điều hành dự kiến có thể đạt được trong điều kiện VN-Index đạt từ 1600-1700 điểm”, báo cáo nêu.
Năm 2021, SBS đạt doanh thu hoạt động 221 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 7,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp vẫn còn khoản lỗ lũy kế lớn 1.301,4 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ 1.267 tỷ đồng tính đến 31/12/2021.
Tổng tài sản tính đến cuối năm 2021 là 745 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả đạt 531 tỷ đồng.
Dù đã hoạt động lâu năm trong ngành chứng khoán nhưng vị thế của SBS vẫn là công ty chứng khoán nhỏ, kinh doanh không mấy hiệu quả. Công ty vẫn đang lỗ luỹ kế 1.301 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ của doanh nghiệp.