Đây là con số phản ánh tình hình vận tải biển hiện nay, được Research Services, thuộc tập đoàn Clarksons – hãng môi giới tàu biển lớn nhất thế giới công bố mới đây.
Vận tải biển “chớp” thời cơ
Cụ thể, theo Clarksons Research Services, thuộc tập đoàn Clarksons – hãng môi giới tàu biển lớn nhất thế giới, ngành vận tải biển đang đạt mức lợi nhuận hàng ngày lớn nhất kể từ năm 2008. Chỉ số Clarksons cho thấy mỗi ngày các hãng tàu đang lãi gần 40.000 USD/ngày/tàu, cao gấp gần 5 lần so với thời điểm năm 2008.
Theo hãng tin Bloomberg, giá cước của hầu hết loại tàu đều tăng vọt, từ tàu container, tàu chở hàng khô rời cho đến tàu chuyên dụng để chở ôtô, xe tải. Do vận chuyển bằng tàu biển hiện chiếm khoản 80% thương mại toàn cầu, cước vận tải tăng mạnh ảnh hưởng tới mọi ngóc ngách của nền kinh tế.
Hiện tại, nhu cầu vận tải biển bùng nổ xuất phát do các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian đóng băng vì Covid-19, khiến nhu cầu hàng hóa và vật liệu thô tăng vọt. Cùng với đó, đại dịch đang tiếp tục gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây tắc nghẽn tại các cảng và làm chậm lịch trình của tàu.
Tất cả những yếu tố này gây áp lực lớn với ngành vận tải biển, hạn chế số lượng tàu chở hàng có thể hoạt động. Tuy nhiên, việc này giúp các hãng vận tải biển kiếm lời “khủng” trong những tháng gần đây.
Giá cước vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc sang châu Âu hiện là 14.287 USD, tăng hơn 500% so với một năm trước. Điều này khiến chi phí vận chuyển của mọi thứ từ đồ chơi, xe đạp cho tới cà phê đều tăng mạnh. Tháng trước, hãng tàu container lớn nhất thế giới A.P. Moller-Maersk A/S nâng dự báo lợi nhuận năm 2021 tăng thêm gần 5 tỷ USD.
Trong khi nhu cầu hàng hóa bán lẻ khiến cước tàu container tăng mạnh, nền kinh tế toàn cầu phục hồi với nhu cầu vật liệu thô tăng nhanh cũng giúp các tàu chở hàng khô rời lãi lớn.. Theo Clarkson Research Services, lợi nhuận của các tàu chở hàng khô rời hiện ở mức cao nhất 11 năm và chưa có dấu hiệu giảm do nhu cầu dự kiến vẫn ở mức cao trong năm nay.
Tuy nhiên, trái ngược với các tàu container và tàu chở hàng rời, các tàu chở dầu lại chịu lỗ trong phần lớn thời gian của năm 2021. Với việc OPEC+ giữ tồn kho lớn, có quá nhiều tàu nhưng lại quá ít dầu để vận chuyển, các chủ tàu chở dầu đối mặt áp lực lớn về lợi nhuận. Điều này đi ngược với kỳ vọng hồi đầu năm của các chủ tàu chở dầu rằng nhu cầu dầu sẽ tăng vọt vào mùa hè.
Giới nhà phân tích dự báo, với tồn kho dầu có xu hướng giảm, hoạt động vận tải dầu sẽ phục hồi. Các nhà phân tích của Pareto Securities cho rằng cước vận tải dầu có thể bắt đầu tăng trong tháng 10 khi kho dự trữ giảm dần và nhu cầu vận chuyển tăng lên.
Năm 2008, nhu cầu bùng nổ vận tải biển cũng tạo ra làn sóng đặt tàu biển mới khổng lồ. Tuy nhiên, “cơn sốt” này nhanh chóng hạ nhiệt do nhu cầu sụt mạnh khi khủng hoảng tài chính khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái sâu nhất trong nhiều thập kỷ.
Vận tải biển Việt Nam đang ở đâu ?
Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, đội tàu biển của Việt Nam mới đảm nhận được 10% thị phần vận tải hàng từ Việt Nam ra thế giới, hoạt động chủ yếu trên các tuyến ngắn như Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Gần như toàn bộ chu trình vận tải biển, hàng xuất đi các thị trường thuộc châu Mỹ, EU, đều do các hãng tàu ngoại nắm giữ. Các doanh nghiệp xuất khẩu luôn ở thế bị động khi doanh nghiệp vận tải tăng giá cước vận tải biển.
Với mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2021, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) dự kiến, ngành gỗ cần trên 800.000 container để xuất khẩu các mặt hàng như đồ gỗ, ván nhân tạo, dăm gỗ… Giá cước container tăng 4-5 lần đang trở thành một trong các thách thức lớn nhất với doanh nghiệp ngành này.
Nếu như đầu năm 2020, giá cước trung bình một container 40 feet ở mức 1.400 USD/container, thì từ cuối năm 2020 tới nay, giá cước đã tăng lên mức kỷ lục trên 6.000 USD/container cho tuyến EU, có thời điểm trên 8.000 USD/container, thậm chí 10.000 USD sang Anh và Mỹ.
Khó khăn tương tự với lĩnh vực thủy sản. Giá cước vận chuyển một container 40 feet từ Việt Nam đến châu Âu, Mỹ đã tăng đến 10.000 USD vào tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Việc tăng giá đã kéo dài suốt từ quý 3/2020 đến nay và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, doanh nghiệp không có lựa chọn nào ngoài việc chấp nhận thuê tàu dù cầm chắc lợi nhuận hao hụt.