Khi vay thế chấp ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ, ngân hàng thường sẽ thu hồi tài sản của người vay để phát mại, đấu giá bán công khai nhằm thu hồi nợ.
Hiểu về vay thế chấp ngân hàng
Vay thế chấp ngân hàng tiếng Anh là Equity loan. Đây là hình thức vay tiền có tài sản thế chấp nhằm đảm bảo cho khoản vay của bạn. Theo đó, tài sản thế chấp phải còn quyền lợi đối với người đi vay. Nói cách khác, khi ngân hàng chấp nhận hồ sơ vay của bạn, tài sản đảm bảo vẫn thuộc quyền sở hữu của bạn. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ giữ lại giấy tờ chứng minh sở hữu của bạn.
Vay thế chấp là hình thức cho vay truyền thống của các ngân hàng và có một số đặc điểm như:
- Tài sản đảm bảo vẫn thuộc sở hữu của người đi vay, giấy tờ chứng minh sở hữu tài sản do ngân hàng giữ.
- Khách hàng có thể vay ngân hàng nếu như có các tài sản đảm bảo có giá trị như sổ đỏ, sổ hồng, ô tô…
- Thời gian vay linh hoạt theo nhu cầu, kéo dài lên tới 25 năm nên áp lực người vay được giảm bớt.
- Lãi suất thế chấp thấp hơn tín chấp, trung bình 7%/năm thay vì trên 10% đối với tín chấp. Hạn mức vay cũng lên tới 70-100% giá trị của tài sản đảm bảo.
Vay thế chấp ngân hàng nhưng không thể trả nợ, xử lý ra sao?
Khi vay vốn tại ngân hàng, trong bất kỳ trường hợp nào, khách hàng vay thế chấp ngân hàng cũng có nghĩa vụ phải hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi cho ngân hàng. Nếu mất khả năng chi trả khoản vay, số tiền nợ của khách hàng sẽ được chuyển thành nợ quá hạn. Những trường hợp này, ngân hàng sẽ xử lý theo quy định của ngân hàng cũng như quy định của Pháp luật, mục đích thu hồi số nợ còn thiếu của khách hàng.
Theo điều 56 của nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, bên cho vay sẽ có quyền xử lý tài sản đảm bảo trong một số trường hợp sau:
- Bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm.
- Vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật
- Ngoài ra còn có một vài trường hợp khác liên quan đến việc thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật
Nhưng dù nguyên nhân bắt nguồn từ chủ quan hay khách quan, ngân hàng vẫn có quyền xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi số tiền khách hàng còn nợ.
Ngân hàng sẽ xử lý nợ quá hạn như thế nào?
Các ngân hàng sẽ xử lý nợ quá hạn khi vay thế chấp ngân hàng, đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật và gồm những bước cơ bản sau:
- Bước 1: Nhắc thúc nợ khách hàng. Theo đó, tùy vào thời gian chậm trả, ngân hàng sẽ chuyển nhóm nợ quá hạn tương ứng.
- Bước 2: Nếu như khách hàng thực sự không còn khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ khởi kiện ra tòa dân sự để có thể tiến hành các thủ tục bán đầu giá tài sản đảm bảo.
- Bước 3: Tiến hành các thủ tục bán đấu giá để phát mại tài sản. Số tiền này sẽ ưu tiên để trả nợ cho khoản vay. Nếu dư sẽ chuyển trả cho khách hàng. Việc phát mại tài sản thực hiện đấu giá công khai, ngân hàng là bên quyết định giá tài sản phát mại chứ không phải khách. Ngân hàng cũng là bên thực hiện quá trình bán đấu giá.
Nếu khách hàng cố tình không giao tài sản đảm bảo, ngân hàng được phép thu giữ tài sản hoặc yêu cầu cơ quan chức năng như Công an, Ủy ban nhân dân xã, phường…tiến hành thu giữ tài sản.
Trường hợp khách hàng vay thế chấp ngân hàng bị phát hiện có khả năng trả nợ nhưng trây ì, bỏ trốn khỏi nơi cư trú thì ngoại bị phát mại tài sản, khách hàng có thể bị phạt tù.
Thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo để thu hồi nợ
Đấu giá tài sản được thực hiện công khai, người trả giá cao nhất sẽ được mua tài sản. Các bước đấu giá tài sản gồm:
- Bước 1: Ngân hàng thuê thẩm định lại giá trị tài sản đảm bảo của khách làm căn cứ đấu giá
- Bước 2: Ngân hàng ký hợp đồng dịch vụ đấu giá với các tổ chức đấu giá để tiến hành bán tài sản công khai.
- Bước 3: Thông báo công khai việc đấu giá. Với bất động sản sẽ thông báo trước ít nhất 15 ngày, các tài sản khác là 7 ngày.
- Bước 4: Nhận đăng ký tham gia đấu giá từ các bên
- Bước 5: Tiến hành đấu giá công khai tại địa điểm theo đúng quy định.