Báo cáo phân tích của Chứng khoán VCBS đánh giá động lực từ đà tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam và mức lạm phát cao vẫn là những yếu tố chính ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán trong Quý II. Lãi suất có thể sẽ tăng nhẹ, nhưng sẽ vẫn được neo ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng.
VCBS đánh giá chỉ số VN-Index trong năm 2022 có thể tiến lên đến vùng điểm số 1.580 – 1.600, tương đương với mức tăng khoảng 6-8% so với mức đỉnh của năm 2021. Khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2022 tăng nhẹ khoảng 8-10% và đạt bình quân hơn 1 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, với giá trị giao dịch trung bình năm kỳ vọng tăng trưởng 17-20% so với năm 2021, tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 28.000-30.000 tỷ đồng/phiên trên cả ba sàn.
Gần đây, tâm lý nhà đầu tư cũng như diễn biến trên thị trường bị ảnh hưởng khi cơ quan chức năng ra quyết định bắt tạm giam lãnh đạo của một số công ty đang niêm yết, tuy nhiên, ây là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường chứng khoán trong dài hạn.
Đội ngũ phân tích đánh giá: “Trước mắt trong Quý 2/2022, nhóm cổ phiếu đầu cơ nhiều khả năng sẽ “lặng sóng” trong một thời gian dài và dòng tiền sẽ có xu hướng quay trở lại các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn”.
Tổng hợp, VCBS đưa ra 5 cơ hội đầu tư:
Thứ nhất, cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine ảnh hướng tới sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu,đ ẩy giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường hàng hóa quốc tế tăng phi mã. Điều này khó kết thúc ngay trong năm 2022, do đó nhóm cổ phiếu nằm trong chuỗi giá trị của các ngành gắn liền với hoạt động khai thác tài nguyên trong nước như Dầu khí, Xi măng, Khai thác và chế biến kim loại màu,… đã tăng trưởng khá tốt trong quý 1 nhiều khả năng sẽ tích cực hơn trong những quý tiếp theo của năm 2022.
Thứ hai, đà phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn rất tích cực. Sự đồng thuận ở cấp quốc gia hướng đến các mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước ngày càng được củng cố vững chắc hơn. VCBS đưa ra kỳ vọng rằng sức hấp thụ vốn trong lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của ngành – đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ – sẽ vẫn là các cơ hội đầu tư tiềm năng trong cả năm 2022.
Thứ ba, việc xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp hoạt động thiếu minh bạch, nhưng đồng thời cũng để lại các khoảng trống trên thị trường bất động sản cũng như mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp bất động sản sản khác. Sự phân hóa đã và đang diễn ra giữa các nhà phát triển bất động sản – cả nhóm bất động sản dân dụng và nhóm bất động sản khu công nghiệp – sẽ vẫn tiếp tục trong phần còn lại của năm nay. Những doanh nghiệp với lợi thế về quỹ đất, năng lực tài chính lành mạnh và định hướng phát triển dự án rõ ràng sẽ có sự bứt tốc mạnh mẽ so với phần còn lại của ngành.
Thứ tư, nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam – vốn vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp – vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà phục hồi theo xu hướng chung của nền kinh tế. Theo đó, nhóm doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa xa xỉ phục vụ nhu cầu mua sắm sẽ hồi phục trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội – đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh kim loại quý.
Thứ năm, các ngành nằm trong chuỗi giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam như cảng biển, dệt may, đồ gỗ, thủy sản,… Xét trên bình diện toàn ngành thì đây đều là các ngành đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong Quý 1/2022 đi cùng với sự tăng trưởng thương mại quốc tế của Việt Nam. Báo cáo phân tích chỉ ra rằng trong mỗi ngành đều sẽ có một số cơ hội đầu tư nhất định, nhưng bởi thực tế là khả năng tận dụng cơ hội đến từ bối cảnh chung cũng như tiềm năng tăng trưởng giữa các doanh nghiệp trong từng ngành có sự phân hóa lớn nên nhà đầu tư sẽ cần sàng lọc và nghiên cứu kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh cốt lõi của từng doanh nghiệp cụ thể.