Theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải tập trung chỉ đạo PVN, EVN giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6 này.
Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.
Giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6
Đối với Bộ Công Thương, Thường trực Chính phủ yêu cầu thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Ngoài ra, Bộ này cũng cần tập trung triển khai Quy hoạch điện 8, đẩy nhanh tiến độ Nhà máy điện Quảng Trạch 2; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc.
Đồng thời, Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với nhau, khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia về Bộ Công Thương trong tháng 6/2023.
Theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ, trong tháng 7/2023, Bộ này cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở và cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước khi tham gia thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Chính phủ đồng thời yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6, cùng với đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để xử lý các vướng mắc phát sinh.
Các ngân hàng giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6
Thường trực Chính phủ bên cạnh đó còn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6, đồng thời định hướng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng để doanh nghiệp và người dân có thể phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng như thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn được yêu cầu khắc phục ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua một cách hiệu quả.
Chính phủ đồng thời yêu cầu đơn vị này có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án khả thi, hiệu quả hay với các doanh nghiệp có năng lực. Ngoài việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước còn cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đối với gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng cần rà soát các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn; cùng với đó là khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với các lĩnh vực cần thiết khác.