Trong chuyến công tác 6 ngày tại Mỹ, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại, đưa tổng giá trị nhập khẩu nông sản Mỹ lên gần 3 tỷ USD, mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Gần 3 tỷ USD nông sản Mỹ sẽ vào Việt Nam qua loạt thỏa thuận thương mại mới
Tối 6/6 (giờ địa phương) tại thủ đô Washington D.C, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Đỗ Đức Duy đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), nơi quy tụ nhiều tập đoàn nông nghiệp lớn của Mỹ.
Tại sự kiện, phía Việt Nam và các đối tác Mỹ đã ký kết 8 thỏa thuận thương mại mới, với tổng giá trị đạt 1,1 tỷ USD. Các thỏa thuận bao gồm nhập khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như ngô, lúa mì, bột đậu nành, thực phẩm chế biến và gỗ.
Trước đó, trong các buổi làm việc tại các bang Iowa, Ohio và Maryland, nhiều biên bản ghi nhớ cũng đã được ký. Tổng giá trị nhập khẩu nông sản Mỹ của Việt Nam theo đó đạt gần 3 tỷ USD.
Thỏa thuận lớn nhất trị giá 380 triệu USD
Trong số các thỏa thuận mới ký ngày 6/6, hợp đồng lớn nhất là giữa Công ty Khai Anh Bình Thuận và tập đoàn Cargill của Mỹ, trị giá 380 triệu USD. Theo thỏa thuận này, phía Việt Nam cam kết nhập 1,2 triệu tấn ngũ cốc từ Mỹ.

Bảy thỏa thuận còn lại liên quan đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Thiên Bút, Niceland Foods, RYL Food, Sea2Asia, IMEX CDC, HAWA và Vitana… Đối tác phía Mỹ bao gồm các tập đoàn như Lamex, Intervision Foods và Kember Interiors.
Ông Đỗ Đức Duy cho biết kết quả chuyến công tác là “rất tích cực”, thể hiện nỗ lực tăng cường quan hệ thương mại song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều biến động.
Hợp tác xanh và công nghệ khí tượng được thúc đẩy bên lề thương mại
Không chỉ dừng lại ở các thỏa thuận thương mại, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững và công nghệ khí tượng.
Tập đoàn Cargill chia sẻ đang vận hành nhà máy tại 12 tỉnh thành ở Việt Nam, sử dụng hơn 1.500 nhân viên và đã tài trợ xây dựng 120 trường học tại các địa phương. Citi Group cũng thể hiện cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng thị trường tín dụng carbon, góp phần giảm phát thải và nâng cao sinh kế nông dân.
Công ty công nghệ khí tượng Atmo bày tỏ mong muốn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ Việt Nam dự báo thời tiết cực đoan. Đại diện Atmo sẽ có chuyến làm việc tại Hà Nội với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Công Thành và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
CEO Atmo, ông Alex Levy, cho biết doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để xây dựng một trung tâm đổi mới công nghệ trong lĩnh vực khí tượng, nhằm phục vụ công tác dự báo và ứng phó thiên tai hiệu quả hơn trong tương lai.
Mộc Miên (Tổng hợp)