Nới trần nợ công là một trong rất nhiều giải pháp đang được cơ quan chức năng xem xét để hồi phục và phát triển kinh tế sau khi chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.
Nợ công – vấn đề thời sự giai đoạn 2011-2016
Nợ công tại Việt Nam liên tục tăng, trở thành vấn đề thời sự giai đoạn 2011-2016. Từ 50% GDP năm 2011, nợ công đã tiến gần về ngưỡng 65% GDP (năm 2016 dư nợ công chiếm 63,7% GDP).
Trong khi đó chất lượng tăng trưởng kinh tế có nhiều bất cập, hiệu quả đầu tư công chưa cao, áp lực trả nợ gia tăng. Tính đến cuối năm 2015, nợ công của Việt Nam đạt 62,2% GDP, nợ Chính phủ đạt 50,3% vượt trần 0,3%, nghĩa vụ trả nợ lãi trực tiếp chiếm 8% ngân sách, nếu tính cả trả nợ gốc thì lên đến gần 26% ngân sách.
Lúc đó, Chính phủ đã có các giải pháp quyết liệt nhằm giảm áp lực nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư công và chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.
Giai đoạn 2016-2020, nợ công của Việt Nam đã được kiểm soát theo hướng bền vững. Mức nợ công chiếm khoảng 55,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP, thâm hụt ngân sách ở mức bình quân khoảng 3,6% GDP. Tất cả các chỉ số đều thấp hơn mức trần quy định của Quốc hội là 65%, 54% và 3,9%.
Rà soát, điều chỉnh phù hợp vấn đề nợ công
Ngày 28/7/2021, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mức trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP. Mức trần nợ Chính phủ hằng năm không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45%. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN).
Tuy nhiên, cần có những rà soát, điều chỉnh phù hợp trước việc nền kinh tế- xã hội chịu tác động mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19 lần 4.
Theo các báo cáo gần đây của Chính phủ về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ tháng 6/2021, tăng trưởng kinh tế quý III/2021 đã giảm sâu ở mức 6,17%. Tính cả 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng đạt mức 1,41%.
Các chuyên gia trong và ngoài nước dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 hầu hết đều ở mức khoảng 3%. Theo đó, điều quan trọng đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, không chỉ là cần cải thiện tăng trưởng trong ngắn hạn, mà phải đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ, bền vững, tăng khả năng thích ứng với dịch bệnh, cải thiện an sinh xã hội.
Theo các chuyên gia này, việc nâng trần nợ công trong thời điểm hiện nay cần có quyết sách kịp thời và linh hoạt từ phía Quốc hội và Chính phủ.
3 lý do Việt Nam nên nới trần nợ công giai đoạn 2021-2025
Thứ nhất, để hồi phục và tạo động lực cho phát triển kinh tế trong thời gian tới, nền kinh tế cần được “bơm” thêm nguồn lực tài chính. Việc nới trần nợ công sẽ tạo dư địa cần thiết để huy động nguồn lực tài chính trong và ngoài nước.
Các chuyên gia cho rằng, Quốc hội nên xem xét để có thể nới trần nợ công ở mức hơn 65% GDP trong giai đoạn 2021-2025, nhưng liều lượng và lộ trình thực hiện cần linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tiễn của nền kinh tế.
Thứ hai, khi xem xét các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều đánh giá cao về sự ổn định (dù tăng trưởng có suy giảm). Đặc biệt thành tựu kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài được đánh giá ở mức khá an toàn, trong khi dư địa về tổng cầu và tổng cung còn khá nhiều tiềm năng. Do vậy, việc nới trần nợ công có kiểm soát sẽ tạo động lực để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế.
Thứ ba, các biện pháp kích thích tăng trưởng bằng cách chủ động gia tăng tổng cầu, để khôi phục và phát triển kinh tế là công cụ khá phổ biến mà các nước đã thực hiện, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu 2 năm qua, nhiều nước đã sử dụng nợ công như là công cụ cần thiết nhằm “bơm thêm” nguồn lực tài chính cho phục hồi tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Vấn đề là thời điểm, liều lượng và ảnh hưởng có mức độ khác nhau.
Nhiều nước trên thế giới xem xét nới trần nợ công
Nợ công luôn là một trong các ưu tiên của Chính phủ các nước, nhằm mở rộng chi tiêu và đầu tư, để kích thích tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, khủng hoảng nợ công tại các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác trở thành vấn đề nóng. Vấn đề mấu chốt ở đây là cần duy trì nợ công ở mức an toàn mà nền kinh tế có thể kiểm soát được. Đó là lý do các nước phải quy định “trần nợ công”.
Nới trần nợ công là chủ đề mà nhiều nước trên thế giới đã và đang bàn luận để có các quyết sách trước bối cảnh cần kích thích tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tối 7/10 (theo giờ Mỹ), Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật tạm thời nâng trần nợ công của chính phủ liên bang lên 28.900 tỷ USD, tức tăng 480 tỷ USD so với mức hiện tại. Dự luật có hiệu lực đến thời điểm ngân sách cho hầu hết chương trình liên bang hết hạn theo dự luật ngân sách tạm thời được thông qua hồi đầu tháng này, tức vào ngày 3/12 tới.
Thống kê cho thấy nợ công và thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng vọt trong đại dịch COVID-19 sau khi nước này thông qua 3 dự luật chi tiêu khổng lồ nhằm giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với kinh tế. Nợ công của nước này tính đến tháng 6/2020 là 28.500 tỷ USD và thâm hụt trong năm 2021 ước tính sẽ lên tới 3.000 tỷ USD, chỉ thấp hơn mức thâm hụt kỷ lục trong năm 2020, theo CBO.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, hành động nâng trần nợ công không làm gia tăng chi tiêu Chính phủ, mà mở ra cho Bộ Tài chính dư địa tài chính rộng lớn hơn để tài trợ cho các hoạt động đã được Quốc hội phê duyệt.
Còn tại các nước Đông Nam Á, việc nới lỏng “trần nợ công” cũng đã được nhiều quốc gia áp dụng để ứng phó với đại dịch. Gần đây nhất, Thái Lan đã nâng trần nợ công từ 60% GDP lên 70% GDP.
Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Chính sách tài chính và tiền tệ Thái Lan dưới sự chủ trì của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha vào ngày 21/9.
Theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith, việc nới lỏng trần nợ công sẽ giúp chính phủ có thể vay thêm tiền để thực hiện các chính sách tài chính trung hạn. Đồng thời, ông khẳng định Chính phủ Thái Lan vẫn có đầy đủ khả năng trả nợ.
Trong giai đoạn 2020-2022, thu nhập của các hộ gia đình ở Thái Lan được dự báo sẽ giảm khoảng 2,6 nghìn tỷ bạt. Trong đó, mức sụt giảm trong giai đoạn 2020-2021 là 1,8 nghìn tỷ bạt và 800 tỷ bạt trong năm 2022.
Do vậy, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cho rằng việc chính phủ vay thêm 1.000 tỷ bạt nữa là hợp lý. Việc này sẽ đưa tỷ lệ nợ công so với GDP của Thái Lan đạt mức 70% vào năm 2024.
Cát Anh