Ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề, trong quý 3 vừa qua, các doanh nghiệp vận tải đường không đều lỗ lớn như Vietnam Airlines đã báo lỗ 3.400 tỷ đồng nhưng Vietjet Air ( VJC) của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố lợi nhuận hơn 100 tỷ.
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021. Theo đó, doanh thu thuần Vietjet Air đạt 2.654 tỷ đồng, giảm 25% so với quý 2 và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do thị trường hàng không gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thống kê trong 4 năm trở lại, đây là quý có doanh thu thấp nhất của Vietjet Air kể từ khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán đầu năm 2017.
Nhìn vào cơ cấu doanh thu của Vietjet Air, mảng vận chuyển hành khách chỉ đem về doanh thu 73,9 tỷ đồng (giảm 95%) trong khi doanh thu hoạt động phụ trợ vẫn duy trì ở mức cao, đạt 971 tỷ đồng (chỉ giảm 13%) và doanh thu khác là 319 tỷ đồng (giảm 18%).
Vietjet Air cho biết, hãng đã thực hiện 37.000 chuyến bay, vận chuyển gần 6,4 triệu lượt khách và 64.000 tấn hàng hóa.
Tuy doanh thu xuống thấp kỷ lục, nhưng đây lại là quý mà Vietjet Air có lợi nhuận gộp lên tới 559 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Trước đó, trong quý 1 và quý 2, Vietjet Air lỗ gộp hơn 1.000 tỷ đồng mỗi quý.
Theo lý giải của công ty, kỳ này công ty có lãi là do hãng tối ưu hóa chi phí thuê tàu bay và chi phí hoạt động bay theo giờ bay khai thác.
Cùng với chiến lược tái cấu trúc chi phí thuê tàu bay, Vietjet giảm được phí thuê tàu, giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất theo quy định của Nhà nước hỗ trợ ngành hàng không.
Trừ đi các loại chi phí, Vietjet Air có lãi trước thuế 103 tỷ đồng và lãi sau thuế 72 tỷ đồng.
Sau 9 tháng, Vietjet Air đạt doanh thu thuần 10.209 tỷ đồng và báo lãi trước thuế 268 tỷ đồng, lãi sau thuế 194 tỷ đồng. 9 tháng năm ngoái, Vietjet lỗ sau thuế hơn 900 tỷ đồng.
***13/12: Điểm tin đầu giờ: Xem gì trước giờ giao dịch?***
Vietjet Air triển khai ví điện tử
Công ty này cho biết, sau khi nhận được Giấy phép ví điện tử từ tháng 7/2021, Vietjet tập trung thực hiện chuyển đổi số, phối hợp Tập Đoàn Sovico tham gia đầu tư hệ thống công nghệ FIN tech, hệ thống trung gian thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Mặt khác, Vietjet đang tập trung mở rộng kinh doanh dịch vụ hàng không, đầu tư tài chính, tạo ra dòng tiền dương bù đắp cho hoạt động hàng không.
Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách miễn, giảm một số phí cảng, giãn nộp thuế và đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất để các hãng hàng không vượt qua Đại dịch.
Hiện tại, Việt Nam đang có nhiều tín hiệu lạc quan từ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc lớn nhất lịch sử với mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho 100% dân số đến hết năm 2021. Do đó, dự kiến các đường bay nội địa và quốc tế sẽ dần hoạt trở lại từ tháng 1/2022. Hiện tại, hãng đã khôi phục khai thác toàn bộ các đường bay kết nối TP. HCM, Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hãng cũng đã sẵn sàng cho việc khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, từ giữa năm 2022, Vietjet sẽ mở 3 đường bay thẳng kết nối thủ đô Hà Nội, TP HCM và Nha Trang với thủ đô Moskva của Nga, khai thác bằng máy bay A330-300 hiện đại của hãng Airbus. Đây là bước mở đầu trong chiến dịch chinh phục thị trường châu Âu của Vietjet nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kết nối Việt Nam với các nước, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Giá giao dịch của VJC phiên 13/12 đóng cửa ở mức 125.800/cp đạt khối lượng hơn 900 ngàn cổ phiếu