Vietjet (VJC – HOSE) vừa thông báo kết quả chào bán 3.000 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức trong nước với kỳ hạn 36 tháng, ngày đáo hạn là 30/12/2024. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, trả lãi 6 tháng/lần.
Lãi suất thực tế được tính 9,5%/năm cho hai kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ còn lại sẽ tính lãi suất bằng biên độ tối đa 3,5%/năm cộng lãi suất tham chiếu là lãi suất tiền gửi bình quân năm được công bố bởi 4 ngân hàng là Vietcombank, VietinBank, HDBank và BIDV.
Vietjet – VJC đã huy động trái phiếu riêng lẻ lần thứ 6
Trước đợt phát hành này, Vietjet đã 6 lần huy động vốn thông qua kênh trái phiếu với tổng giá trị 7.000 tỷ đồng và kỳ hạn 36 hoặc 60 tháng. Nhà đầu tư mua vào đều là một tổ chức trong nước không phải ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm hay quỹ đầu tư. Như vậy, hãng hàng không đã huy động tổng cộng 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong khoảng một năm qua.
***VHC: Vĩnh Hoàn xuất khẩu tháng 1 đạt 777 tỷ đồng – PNJ chốt quyền trả cổ tức vào ngày 8/3***
Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, tài sản cố định, thiết bị, công cụ dụng cụ… nhằm tăng cường năng lực khai thác vận tải hàng không và phát triển các hoạt động kinh doanh khác phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Vietjet.
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2021, Vietjet cho biết hãng cũng lên kế hoạch huy động trái phiếu quốc tế. Tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành 300 triệu USD có thời hạn 5 năm với lãi suất có thể cố định, thả nổi hoặc kết hợp cả hai. Người sở hữu trái phiếu có thể thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu VJC. Mục đích phát hành nhằm huy động vốn cho các dự án đầu tư, mua tàu bay, động cơ, phụ tùng, và bổ sung vốn hoạt động.
Bên cạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu, cổ đông Vietjet đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu với lượng tối đa 15% vốn điều lệ. Đối tượng phát hành là tổ chức trong và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế, quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, logistics, dịch vụ, tài chính. Cổ phần được chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm. Giá chào bán cụ thể sẽ do HĐQT quyết định theo diễn biến thị trường chứng khoán nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất.
Vietjet đề nghị tạm hoãn công bố BCTC quý IV/2021 và đã được chấp thuận với lý do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên công ty gặp khó khăn trong việc nhận các dữ liệu và chứng từ. Đề phòng dịch, công ty cho 70% nhân viên khối văn phòng làm việc ở nhà, ngoài ra một phần nhân sự bị cách lý khiến quá trình lập báo cáo chậm trễ.
Tính tới 30/9/2021, hãng hàng không có 13.470 tỷ đồng nợ vay tài chính, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu và hệ số nợ vay/tổng tài sản lần lượt là 79% và 26%. Nợ dài hạn chủ yếu là trái phiếu với giá trị 6.250 tỷ đồng được bảo lãnh bởi Chứng khoán HDB và Chứng khoán TP HCM, đáo hạn năm 2022-2026.