Đề nghị tạm hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Vietnam Airlines vừa bị Ủy ban Chứng khoán từ chối.
Lý do Ủy ban Chứng khoán từ chối tạm hoãn công bố BCTC kiểm toán 2022 của Vietnam Airlines
Công ty đại chúng sẽ phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 10 ngày, tính từ khi báo cáo kiểm toán được ký phát hành, tính từ lúc kết thúc năm tài chính không được quá 90 ngày. Như vậy, nếu đối chiếu theo quy định này, đồng nghĩa với việc Vietnam Airlines đã quá hạn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Trước đó, Vietnam Airlines hôm 29/3 đã gửi đơn lên Uỷ ban Chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) xin tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Đơn vị này không nêu cụ thể thời gian xin tạm hoãn trong đơn của mình.
Tuy nhiên, đề xuất này bị Uỷ ban Chứng khoán từ chối. Đơn vị này cho hay, lý do Vietnam Airlines đưa ra để xin chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc các lý do bất khả kháng khác.
Do đó, cơ quan quản lý đã đề nghị Vietnam Airlines khẩn trương khắc phục công tác kế toán, hoàn thành việc công bố thông tin theo đúng quy định.
Đưa ra nhiều lý do, Vietnam Airlines vẫn bị từ chối
Vietnam Airlines trước đó đưa ra nhiều lý do cho việc chậm trễ, có thể kể đến như: Quy mô lớn hoạt động trên toàn cầu với 27 đơn vị trực thuộc (9 chi nhánh trong nước, 18 chi nhánh nước ngoài), 15 công ty con có quy mô vừa và lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất. Chưa kể, tổng công ty và các đơn vị đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục hậu quả đại dịch, từng bước tái cơ cấu.
Do vậy, hãng hàng không này cần thêm thời gian đối chiếu, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chẩn mực kế toán.
Vietnam Airlines nói về những khó khăn gặp phải trong giai đoạn Covid-19.
Đối với công ty mẹ, Vietnam Airlines đã thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập 5 đơn vị trực thuộc, đóng mã số thuế tại các chi nhánh được sáp nhập. Vì vậy, thời gian đối chiếu số liệu báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị bị kéo dài.
Thêm nữa, trong giai đoạn bị tác động bởi dịch Covid-19, sau khi đàm phán, tổng công ty đã được nhiều nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận giảm giá hàng hoá dịch vụ cũng như giãn hoãn các khoản thanh toán. Vietnam Airlines cần nhiều thời gian hơn để đối chiếu xác nhận công nợ đáp ứng chuẩn mực kiểm toán khi thay đổi các điều kiện khi thực hiện hợp đồng.
Cổ phiếu HVN bị cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết
Luật Chứng khoán quy định, các trường hợp cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị huỷ niêm yết gồm có: Lỗ 3 năm liền hoặc tổng lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
HoSE hồi tháng 2 đã cảnh báo nguy cơ huỷ niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines trong trường hợp lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu tiếp tục âm tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022.
Theo báo cáo tài chính tự lập, Vietnam Airlines năm ngoái tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỷ đồng. Đáng nói, 2 năm liền trước đó, chỉ tiêu này cũng lần lượt âm hơn 10.900 tỷ và hơn 12.900 tỷ. Tính đến 31/12, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm gần10.200 tỷ đồng.