Viglacera lên kế hoạch 1,700 tỷ đồng lãi trước thuế 2022
Trong năm 2022, Tổng Công ty Viglacera – CTCP (HOSE: VGC) dự kiến đem về 15 ngàn tỷ đồng doanh thu và 1.7 ngàn tỷ đồng lãi trước thuế hợp nhất, lần lượt tăng 34% và 10% so với thực hiện năm trước. Đây cũng là kế hoạch kinh doanh cao nhất từ trước đến nay của đơn vị.
Riêng Công ty mẹ VGC, doanh thu dự kiến là 6,500 tỷ đồng (tăng 17%) và lãi trước thuế là 1,200 tỷ đồng (tăng 4%). Ngoài ra, đơn vị cũng lên kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 16% (năm 2021 chi trả tỷ lệ 15%).
Về kế hoạch đầu tư trong năm 2022, đối với lĩnh vực vật liệu, VGC sẽ tập trung triển khai thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy gạch Viglacera Eurotile vào khai thác đúng tiến độ, phát triển dòng sản phẩm mới kích thước lớn, cao cấp đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu của CTCP Viglacera Tiên Sơn. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiếp tiếp phát triển, tăng sản lượng và đa dạng các dòng kính tiết kiệm năng lượng, gương cao cấp, các sản phẩm kính gia công…
VGC cũng lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư vào các dự án như Nhà máy kinh nổi siêu trắng Phú Mỹ Giai đoạn 2, công suất 900 tấn/ngày và dự án Sản xuất nắp bệt và phụ kiện sứ vệ sinh…
Đối với lĩnh vực bất động sản, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai chuẩn bị đầu tư các khu công nghiệp mới: Đồng Nai mở rộng – Quảng Ninh (145 ha), Tiền Hải mở rộng – Thái Bình (329 ha), mở rông KCN Phú Hà – Phú Thọ (100 ha), Đồng Văn 4 mở rộng – Hà Nam (300 ha), Khu A KCN Phong Điền – Thừa Thiên Huế (120 ha)… Trong giai đoạn 2022-2023, Tổng công ty lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư mới khoảng 2,000 ha khu công nghiệp và 200 ha trong lĩnh vực nhà ở.
Trên thị trường, cổ phiếu VGC hiện đang giao dịch tại mốc 50,800 đồng/cp (10h phiên 18/03), giảm 17% so với đỉnh phiên 17/12, khối lượng giao dịch bình quân hơn 1.2 triệu cp/phiên.
FRT: Mảng laptop thành ‘gà đẻ trứng vàng’, FPT Retail vừa mở thêm 87 trung tâm laptop mới
Theo thống kê của GfK, hệ thống FPT Shop đang nắm giữ 35% thị phần laptop tại Việt Nam.
2021 là một năm khó khăn với nhiều đơn vị bán lẻ. Tuy nhiên, điều này không đúng với FPT Retail, đặc biệt là mảng kinh doanh laptop. Đơn vị này cho biết doanh số bán laptop của hệ thống FPT Shop vượt gấp 2 lần kế hoạch, đồng thời tăng gấp 2 lần so với mức chung của thị trường.
Trong năm 2021, FPT Shop đã chiếm 35% thị phần laptop tại Việt Nam, theo số liệu của GfK. Như vậy, cứ 10 laptop bán ra thị trường thì có 3,5 máy là của hệ thống 70 trung tâm laptop của FPT Shop.
Với đà tăng trưởng mạnh, FPT Shop vừa tiếp tục “chơi lớn” khi quyết định khai trương thêm 87 trung tâm laptop, nâng tổng số trung tâm laptop của nhà bán lẻ này lên 157. Theo đại diện FPT Shop, trong số 87 trung tâm này, có những trung tâm được mở mới hoàn toàn, một số khác được nâng cấp lên thành trung tâm laptop từ các shop bán lẻ di động trước đây.
Trước đó vào tháng 12/2021, đơn vị này cũng lấn sân sang mảng PC lắp ráp với 3 trung tâm lớn tại Hà Nội. Ngoài laptop, các trung tâm này bày bán cả PC lắp ráp theo yêu cầu, linh kiện và phụ kiện PC..
Năm 2021, FPT Retail đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần so với năm 2020 và gấp 4,6 lần kế hoạch năm. Theo phía FPT Retail, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng này đến từ mảng bán lẻ laptop. Trong năm 2021, đơn vị này đã bán ra khoảng 400.000 laptop đến tay người tiêu dùng.