Sáng ngày 26/04, Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã VGC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
VGC đặt kế hoạch lãi 1.700 tỷ đồng năm 2022
Viglacera đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.700 tỷ đồng, doanh thu đạt 15.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 34% so với thực hiện năm 2021, trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 1.200 tỷ đồng, doanh thu công ty mẹ đạt 6.500 tỷ đồng lần lượt tăng 4% và 17% so với thực hiện năm 2021. Dự kiến chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 16%.
Năm 2022 tiếp tục khó khăn trước những chính sách liên quan đến siết tín dụng cho vay bất động sản và trái phiếu, tình hình tiêu thụ vật liệu cũng đang có dấu hiệu chậm lạim công ty phấn đấu doanh thu 50% từ bất động sản, 50% từ vật liệu xây dựng. Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, công ty kỳ vọng mảng kính sẽ có nhiều triển vọng khả quan. Trong năm 2022, công ty sẽ được hưởng trọn lợi nhuận của Kính Phú Mỹ, được biết năm ngoái VGC đã nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 65%.
Hết Quý I/2022 , doanh thu củaVGC đạt 3.835 tỷ đồng, tăng 62,5% cùng kỳ năm trước.Llợi nhuận sau thuế đạt 752 tỷ đồng, gấp 2,6 lần thực hiện năm trước dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với 2021.
Đầu tư mới khoảng 2.000 ha khu công nghiệp
Với lĩnh vực vật liệu VGC tập trung triển khai thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy gạch Viglacera Eurotile vào khai thác đúng tiến độ; tiếp tục nghiên cứu triển khai đầu tư Dự án Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ GĐ 2, công suất 900 tấn/ngày.
Với lĩnh vực bất động sản, VGC tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại các KCN đang triển khai. Mục tiêu phấn đấu năm 2022-2023, VGC chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư mới khoảng 2.000 ha khu công nghiệp: KCN Phù Ninh (Phú Thọ), KCN Đông Triều (Quảng Ninh), KCN Tây Phổ Yên (Thái Nguyên), tổ hợp KCN-ĐT- DV tại Yên Bái… Để thực hiện dự án bất động sản phải mất từ 3 – 5 năm. Giai đoạn hiện các tỉnh và thành phố đang lập quy hoạch phê duyệt tầm nhìn 2025 – 2030. Sau khi có quy hoạch thì đây là cơ hội để đăng ký tiến hành các thủ tục để đấu thầu với chủ đầu tư, VGC hiện đang tích cực đi làm việc với các địa phương. Mức đăng ký 2.000 ha tương đối khả thi, song chỉ đang ở bước tài trợ quy hoạch chứ chưa được giao làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, công ty tiếp tục phát triển các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với các dự án tại KCN Đồng Văn IV, Phú Hà, Yên Phong – Bắc Ninh…và các khu nhà ở thương mại, du lịch nghỉ dưỡng. Kế hoạch 2022-2023 Tổng công ty chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư mới khoảng 200 ha trong lĩnh vực nhà ở.
Về nhân sự, ông Lê Bá Thọ người mới có đơn từ nhiệm Chủ tịch HĐQT IDC được bầu giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị Viglacera, thay thế cho bà Đỗ Thị Phương Lan vừa có đơn từ nhiệm. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Thắm được bầu giữ chức vụ thành viên Ban kiểm soát thay bà Nguyễn Thị Thanh Yến.
Ngoài ra, VGC dự trình phương án tăng vốn điều lệ, đồng thời cơ cấu lại sở hữu vốn của Tổng công ty tại các công ty thành viên: thông qua chủ trương thành lập mới các Công ty cổ phần để đầu tư các Khu công nghiệp mới và tăng sở hữu vốn tại Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ lên 1.886 tỷ đồng. Mặt khác, VGC cho biết sẽ tiếp tục thoái vốn tại một số đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng không hiệu quả trong lĩnh vực gạch ngói đất sét nung, như CTCP Gốm xây dựng Yên Hưng, CTCP Gạch ngói Từ Sơn, CTCP Từ Liêm,…