6 lãnh đạo của Vimedimex vừa bị miễn nhiệm chức vụ từ ngày 15/11/2021.
Ban điều hành của Vimedimex xóa 6 cái tên
Hội đồng Quản trị Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex (Mã CK: VMD) vừa có Quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc của 6 Phó Tổng Giám đốc gồm: Bà Nguyễn Thị Thanh Lam; bà Tạ Thị Thuỳ Trang; ông Nguyễn Minh Sơn; ông Bế Công Sơn; ông Kiều Huy Hoàng; ông Phạm Ngọc Quân từ ngày 15/11/2021.
Trong khi trước đó, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, có đến 18 cái tên trong Ban điều hành của VMD.
Cổ đông lớn nhất hiện nay của VMD là Công ty Cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2 – sở hữu 45,3% vốn. Bà Nguyễn Thị Loan – Chủ tịch VMD cũng đồng thời là Chủ tịch Vimedimex 2. Được biết, từ tháng 4/2009 đến nay, bà Loan lần lượt giữ ghế Phó chủ tịch HĐQT rồi Chủ tịch HĐQT VMD (2012).
Cổ đông lớn thứ 2 đang nắm giữ 7,4% vốn cổ phần tại VMD là ông Lê Xuân Tùng (SN 1995), con ruột của bà Nguyễn Thị Loan. Có thể thấy, nhóm của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Loan đang nắm giữ 52,7% cổ phần của VMD.
Tối 9/11, bà Nguyễn Thị Loan bị bắt về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, theo Điều 218 Bộ luật Hình sự. Theo xác định của Cơ quan điều tra, hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng. Bà Loan bị bắt khi đang giữ chức danh Chủ tịch HĐQT VMD nhiệm kỳ 2017 – 2022.
Sau đó 1 ngày (ngày 10/11), VMD thông tin, mọi hoạt động kinh doanh của Vimedimex vẫn diễn ra bình thường, sai phạm của bà Loan trong lĩnh vực đất đai là hoạt động cá nhân. Phía công ty đang gấp rút thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để phục vụ cho các hoạt động của công ty.
Cùng ngày, ông Nguyễn Luy Xít – người vừa ngồi ghế Phó Tổng Giám đốc Vimedimex chưa đầy 6 tháng cũng bị miễn nhiệm chức vụ.
Ông Nguyễn Luy Xít (SN 1984), là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Dược phẩm Đại Tín (Đại Tín Pharma); cũng là người đại diện của Công ty TNHH MTV Trung tâm phân phối dược phẩm Vimedimex Đà Nẵng.
Cổ phiếu VMD rung lắc mạnh
VMD, được thành lập năm 1984, tiền thân là công ty xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế. Sau khi cổ phần hóa, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước đã giảm từ 51% xuống còn 19,14%. Đến nay, công ty có vốn điều lệ hơn 154 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về quy mô thì vẫn còn tương đối nhỏ trong nhóm doanh nghiệp ngành dược, y tế.
Báo cáo tài chính quý III/2021, doanh thu của VMD đạt 2.175 tỷ đồng, so với cùng kỳ đã giảm 1 nửa. Ngược lại, doanh thu tài chính là 62 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần, nhờ vào khoản lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm, liên quan đến hoạt động nhập khẩu thuốc và trang thiết bị y tế.
9 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VMD lần lượt đạt 9.769 tỷ đồng (giảm 24%) và 28 tỷ đồng (giảm 2%).
Tính đến 30/9, tổng tài sản của Vinedimex đạt 6.182 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cũng còn hơn 3.316 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm hơn 50% tổng tài sản.
Ngoài ra, trong kỳ, Vimedimex còn phát sinh thêm khoản vay 360 tỷ đồng tại Ngân hàng nhằm thực hiện thanh toán các chi phí nhập khẩu lô vắc-xin được Bộ Y tế phê duyệt cho nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam vào cuối tháng 9/2021.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm nay 16/11, cổ phiếu VMD của Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex tiếp tục giảm còn mức 41.600 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, cổ phiếu VMD có 4 phiên tăng trần nhưng sau đó rơi mạnh về mức giá sàn 43.050 đồng/cổ phiếu vào ngày 10/11, sau khi bà Nguyễn Thị Loan bị cơ quan điều tra bắt tạm giam.
Cát Anh (T/h)