Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa kết thúc một tuần kinh hoàng khi VN-Index mất đến 146,49 điểm, chính thức xác lập “kỷ lục buồn” với mức giảm mạnh nhất lịch sử. Xét về con số tương đối (-11,02%), chỉ số này cũng ghi nhận tuần giảm mạnh nhất từ tuần 9-13/3/2020 (-14,55%). Đây cũng là lần đầu tiên VN-Index xuống dưới 1.200 điểm sau hơn 13 tháng kể từ phiên 31/3/2021.
VN-Index lần đầu xuống dưới 1.200 điểm sau hơn 13 tháng
Đà lao dốc tuần qua đã kéo chuỗi giảm điểm của VN-Index lên 6 tuần liên tiếp, dài nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Lần gần nhất chỉ số này giảm 6 tuần liên tiếp là vào giai đoạn 12/9-21/10/2011 với mức giảm 10,6%. Như vậy, trong lịch sử 22 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã chứng kiến 11 lần VN-Index giảm liên tiếp 6 tuần trở lên.
Thống kê cho thấy chuỗi giảm lần này có mức độ khốc liệt hàng đầu dù thời gian chưa phải dài nhất. Rơi sốc từ vùng đỉnh lịch sử, không bất ngờ khi VN-Index ghi nhận mức giảm kỷ lục chưa từng có tính theo số tuyệt đối (333,67 điểm). Con số này thậm chí còn lớn hơn cả điểm số của VN-Index trong nhiều giai đoạn trong quá khứ.
Xét về mặt tương đối, mức giảm 22% trong 6 tuần qua cũng chỉ sau chuỗi giảm 7 tuần liên tiếp từ 5/5-20/6/2008 (-29,9%) và giai đoạn giảm 9 tuần liên tiếp từ 19/11/2001-18/1/2002 (-30,1%). Ngay cả chuỗi tuần giảm điểm dai dẳng nhất lịch sử kéo dài 15 tuần từ 23/12/2002-11/4/2003, VN-Index cũng chỉ mất 19,3%.
11 lần VN-Index giảm liên tiếp 6 tuần trở lên
Chuỗi giảm triền miên hết tuần này đến tuần khác với biên độ lớn và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc khiến tâm lý phần lớn nhà đầu tư trở nên hoang mang. Thật khó để dòng tiền bắt đáy có thể nhập cuộc khi mà cổ phiếu tưởng như mua được giá rẻ, chưa kịp về tài khoản đã lại có giá rẻ hơn.
Chia sẻ về thị trường liên quan đến sức ép và tâm lý của nhà đầu tư, SGI Capital cho rằng hiếm khi nào nhà đầu tư phải chịu nhiều nỗi lo cùng một lúc như hiện nay: từ áp lực lạm phát, lãi suất tăng, xung đột Ukraine, FED thắt chặt, Trung Quốc lockdown, tới siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát đầu cơ, hạn chế tín dụng bất động sản…
“Hệ quả là chung ta có định giá VN30F 2022 ở mức 11,x thấp hiếm thấy, gần tương đương các giai đoạn khủng hoảng. Kinh nghiệm nhiều năm của chúng tôi đầu tư trên thị trường chứng khoán cho thấy, tin xấu và sự bi quan luôn là bạn tốt của nhà đầu tư. Tin xấu càng nhiều, lo lắng và thận trọng càng lớn, định giá càng rẻ, và hiệu quả đầu tư sẽ càng cao”, SGI Capital cho hay.
Thực tế, sau chuỗi ngày miệt mài giảm, P/E của VN-Index hiện đã lùi về ngưỡng 12,71 lần, chiết khấu khá nhiều so với mức 16,4 lần khi chỉ số đạt đỉnh hồi tháng 4/2022 và thấp hơn đáng kể mức trung bình 10 năm (14,5 lần).
Theo J.P.Morgan, P/E cổ phiếu Việt Nam hiếm khi giao dịch với định giá dưới mức trung bình 10 năm trong hơn hai tháng. Vì thế, tổ chức này tin rằng việc điều chỉnh rất khó khăn nhưng sẽ không còn lâu nữa. Tương tự, Dragon Capital cho rằng mức định giá hấp dẫn hiện tại của thị trường Việt Nam càng trở nên nổi bật khi so sánh với các thị trường trong khu vực. Tuy vẫn còn ẩn số trong ngắn hạn nhưng tiềm năng lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư dài hạn là rất rõ ràng.
So sánh PE của VN-Index với các thị trường trong khu vực. Nguồn: Dragon Capital
Thận trọng hơn, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Môi giới Chứng khoán HSC nhận định “Giá rẻ vẫn có thể rẻ hơn, do đó nhà đầu tư cần cẩn trọng và từ tốn hơn trong những quyết định bắt đáy. Ngay bản thân trong lập luận thị trường Việt Nam đang rẻ, với P/E forward ~ 12-13 lần cũng có nhiều điều cần phản biện nếu phân tích kỹ. Thực sự mức P/E forward không thấp hơn nhiều thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều thị trường mới nổi”.
Đồng quan điểm và thậm chí có phần bi quan hơn, Ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment cho rằng thị trường vẫn chưa tạo đáy với nhận định “Thống kê cho thấy kết thúc một chu kỳ kinh tế thị trường thường giảm 30-40% từ đỉnh. Với việc Fed thắt chặt lãi suất, lạm phát, thị trường Việt Nam sẽ đi về mức khoảng 950 điểm”.