Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch đầy hứng khởi với sắc xanh, tím tràn ngập. VN-Index đóng cửa tăng 34,65 điểm (+3,49%) qua đó chính thức lấy lại mốc 1.000. Đây là lần đầu tiên chỉ số tăng trên 3% sau hơn 5 tháng kể từ ngày 17/5. Con số 3,49% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh nhất thế giới ngày 27/10.
Nhờ phiên tăng mạnh hôm nay, tổng giá trị vốn hóa 3 sàn chứng khoán đã gỡ gạc được khoảng 146.000 tỷ đồng (~6,2 tỷ USD) sau khi bị thổi bay hơn hơn 2,2 triệu tỷ đồng so với đỉnh hồi đầu tháng 4. Hiện tại, vốn hóa chứng khoán Việt Nam đang dừng ở mức 4,4 triệu tỷ đồng trong đó riêng HoSE đạt khoảng 4,1 triệu tỷ đồng.
Mặc dù tăng mạnh trong phiên 27/10 nhưng VN-Index vẫn còn thấp hơn đến 32,5% so với đỉnh và nằm trong top các chỉ số giảm mạnh nhất thế giới từ đầu năm. Khi so sánh tình hình hoạt động của chứng khoán Việt Nam với các thị trường Đông Nam Á khác, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund kết luận rằng có tới 2/3 nguyên nhân cho diễn biến không khả quan đến từ yếu tố trong nước.
Theo đó, hoạt động thanh tra giám sát về lâu dài sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, nhưng trong ngắn hạn gây ra tâm lý yếu trên thị trường. Tuy nhiên, ông Petry Deryng tin rằng tình hình sẽ lắng dịu trong những tháng tới, mặc dù sự chỉ đạo chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng vẫn sẽ tiếp tục trong vài năm tới.
Nhà quản lý quỹ Pyn Elite cho rằng khi thị trường chứng khoán giảm mạnh trong tâm lý hoảng loạn và vì tin đồn, rất khó để sử dụng các tỷ lệ cơ bản để xác định mức đáy. Dù vậy, ông Petry Deryng đánh giá chứng khoán Việt Nam đang được định giá rất rẻ và các mức hợp lý của chỉ số trong vài năm tới đều cao hơn so với mức thị trường bước vào năm nay.
Thực tế, sau phiên tăng mạnh, định giá P/E trailing của VN-Index đã cải thiện đôi chút lên vùng 10,7x nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ tương đương với các đợt khủng hoảng trong quá khứ như Covid hay giai đoạn 2011-2012.
Về dự phóng, Yuanta Việt Nam ước tính P/E forward 2022 của VN-Index sẽ ở mức 9,7x, tương đương đáy Covid hồi tháng 3/2020. Trong khi đó, Dragon Capital dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7,8% năm 2022, định giá thị trường hấp dẫn với P/E forward 2022 của VN-Index ở mức 10 lần với tăng trưởng EPS 17%.
Nhà quản lý Pyn Elite cho rằng lãi suất có thể đạt đỉnh vào đầu năm 2023 và thị trường sẽ phản ánh điều này từ 3 hoặc 4 tháng trước. “Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể chạm đáy ngay trong tuần này hoặc trong vài tuần tới” – ông Petry Deryng nhấn mạnh.
Mặt khác, VCBS đánh giá dòng tiền trên TTCK sẽ tiếp tục duy trì trạng thái yếu dưới áp lực mất giá của đồng VND cũng như việc mặt bằng chi phí vốn tăng lên làm suy giảm mức định giá của hầu hết các loại tài sản tài chính, đặc biệt là cổ phiếu.
CTCK này cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh tăng và dự báo cho đến cuối năm 2022, nhiều khả năng sẽ tăng lên mức tương đương cho đến vượt 50 điểm cơ bản so với giai đoạn cuối năm 2019 trước dịch Covid.