Chịu áp lực bán ngay từ đầu phiên sáng, VN-Index mở cửa phiên giao dịch cuối tuần không mấy thuận lợi cùng tâm lý yếu của thị trường, đã có lúc giảm sâu hơn 30 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy các mã vốn hóa lớn xuất hiện giúp thu hẹp đà giảm của chỉ số chính về cuối phiên giao dịch. Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm là điều dễ hiểu khi chứng khoán Mỹ ngày 16/6 bị bán tháo trên diện rộng do những lo ngại từ việc tăng lãi suất của FED.
Các cổ phiếu Ngân hàng, Chứng khoán, Thép, Bất động sản thể hiện sự tiêu cực khi sắc đỏ chiếm gần như hoàn toàn. Đặc biệt, nhóm chứng khoán vẫn tiếp tục lao dốc, giao dịch không mấy tích cực, điển hình như SSI, VND, APS, SHS, FTS, PSI đồng loạt nằm sàn. Đối với nhóm ngân hàng, nhà băng lớn VCB mặc dù có một phiên thăng hoa ngày hôm nay, đến phiên giao dịch hôm nay lại điều chỉnh mạnh -3,79%. Ngược dòng SGB (+6,15%), EIB (+2,45%).. tăng nhẹ.
Không nằm ngoài tình trạng chung, cổ phiếu thép cũng giảm kịch sàn TLH, NKG, HSG,.. Trong khi VGS, HMC, POM, TVN hay SMC cũng điều chỉnh mạnh về gần mức giá sàn.
Áp lực bán mạnh lại một lần nữa kích hoạt lên nhóm Bất động sản, nằm sàn la liệt CEO, LDG, QCG, SCR, DIG, NBB, GEX.. Trái chiều, HDG giao dịch tích cực hơn tăng 5,22%.
Song, đà giảm của thị trường được thu hẹp bởi GAS (+3,91%), công thần đứng đầu VN-Index phiên hôm nay. Sắc xanh tăng điểm của GAS lan tỏa sang nhóm dầu khi giao dịch có phần tích cực hơn chỉ số chính, POW, PVT, BSR, CNG, PLX… đồng thuận tăng điểm tốt.
Tại rổ VN-30, duy nhất có MSN, GAS, POW, PNJ, PLX giữ được sắc xanh trong khi FPT, VHM, VIC đóng phiên tại giá tham chiếu, còn lại đều chìm sâu trong sắc đỏ, thậm chí SSI nằm sàn.
Về khối lượng giao dịch, đứng đầu thuộc về POW với gần 38 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Theo sau lần lượt là HPG với 30 triệu đơn vị, VND với gần 29 triệu đơn vị được giao dịch. Nhìn chung, sắc đỏ và sắc xanh sàn chiếm ưu thế trong top những mã được giao dịch nhiều nhất trên sàn khiến cho thị trường chung khó có thể thoát khỏi tình trạng điều chỉnh.
Đáng chú ý, FTSE Vietnam ETF và V.N.M ETF đã hoàn thành việc cơ cấu danh mục kỳ review quý 2 trong hôm nay. Trước đó, FTSE Vietnam Index công bố loại APH. MVIS Vietnam Index đã thêm mới SHB và VCG, đồng thời loại ORS ra khỏi danh mục. Phiên giao dịch hôm nay ghi nhận sự nỗ lực đi ngược thị trường chung của SHB (+1,5%) trong khi ORS và APH, 2 cổ phiếu bị loại khỏi rổ chỉ số giảm 6% về gần mức giá sàn. Không mấy khởi sắc, VCG cổ phiếu được thêm vào V.N.M ETF giao dịch lại kém tích cực khi giảm hết biên độ về mức giá 20.300 đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 1.200 điểm, hình thành cây nến rút chân nhờ đó thu hẹp được đà giảm sâu. Cụ thể, VN-Index giảm 19,33 điểm (-1,56%) xuống 1.217,3 điểm. HNX-Index giảm 7,71 điểm (2,68%) xuống 280,06 điểm. UPCoM-Index giảm 2,15 điểm (-2,41%) xuống 87,1 điểm.
Thanh khoản trên HoSE tăng 13% so với phiên trước với giá trị khớp lệnh đạt 15.637 tỷ đồng. Xét về độ rộng, thị trường phiên hôm nay có đến 901 mã giảm điểm trong đó có tới 210 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 226 mã tăng.
Phiên hôm nay ghi nhận đà mua ròng trên cả 3 sàn của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị lên tới hơn 330 tỷ đồng. Cụ thể, trên HoSE, khối ngoại mua ròng 310 tỷ đồng, chủ yếu gom HPG, VND…
Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ 2 tỷ đồng.
Tại sàn UpCOM, khối ngoại mua ròng khoảng 20 tỷ đồng, BSR vẫn là cái tên được ưa chuộng nhất, được gom ròng 61 tỷ đồng.
Trong một chia sẻ gần đây, ông Đỗ Bảo Ngọc Phó Tổng giám đốc CTCK Kiến Thiết đánh giá rằng: “Thị trường đã giảm mạnh trong những phiên trước đó, có thể thấy thông tin xấu nhất đã phản ánh vào giá. Do đó, tôi cho rằng khả năng cao thị trường sẽ có nhịp hồi phục. Tuy nhiên hồi phục đến đâu còn phụ thuộc vào sự tham gia của dòng tiền.”,
Tuy nhiên, dưới góc nhìn trung hạn ông Ngọc cho rằng vẫn còn khá nhiều rủi ro. Bởi quá trình tăng lãi suất của Fed vẫn chưa dừng lại và sẽ tác động đến thị trường. Do đó nhà đầu tư cần quan sát đến các biến số lạm phát trong thời gian tới. Giả sử trong tháng 6 lạm phát có xu hướng giảm thì sẽ là thông tin tích cực cho thị trường, ngược lại chỉ số sẽ gặp lại biến động nếu lạm phát tiếp tục leo thang thời gian tới.