VN-Index tiếp tục đi ngang trong tuần này với 2 phiên biến động mạnh đầu tuần và 3 phiên giao dịch quanh mốc tham chiếu sau đó.
Kết thúc tuần giao dịch (12-16/12), VN-Index chỉ tăng nhẹ 0,67 điểm (+0,1%) lên 1.052,48 điểm, HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,8%) xuống 212,99 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 18,1% so với tuần trước đó xuống 71.179 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 22,4% xuống 3.956 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 26,5% xuống 6.904 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 24,2% xuống 497 triệu cổ phiếu.
Tâm lý nhà đầu tư vẫn đang thận trọng khiến thị trường đi ngang trong tuần này và dòng tiền có sự phân hóa, luân phiên giữa các nhóm ngành. Trong đó ngành thép khởi sắc với HPG (+6,25%), HSG (+4,25%), NKG (+6,02%), TVN (+7,16%). Các cổ phiếu thuộc ngành hóa chất, phân đạm cũng đóng góp tích cực như DGC (+7,08%), CSV (+3,79%), DCM (+1,05%), DPM (+0,81%)…
Tại nhóm ngân hàng, mặc dù có sự phân hóa nhưng một số cổ phiếu đã thu hút được dòng tiền khá tốt như VPB (+9,47%), MBB (+3,3%), VCB (+3,1%), EIB (+22,9%), TCB (+3,2%)…Ở chiều ngược lại, ngành bất động sản lại giảm mạnh, điển hình như cặp đôi VIC (-13,9%) và VHM (-8,9%).
Khối ngoại có tuần mua ròng thứ 6 liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt 1.879,4 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, VND là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 16,6 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là NVL và SSI với lần lượt 15 triệu và 8,4 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, VNM là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 5,3 triệu cổ phiếu.
Khối tự doanh chứng khoán cũng ghi nhận một tuần mua ròng với giá trị hơn 100 tỷ đồng, trong đó tập trung gom NVL, HPG.
Ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia MBS nhận định dòng tiền trên thị trường tại thời điểm này sẽ không thể dồi dào như sau dịch COVID-19 do mặt bằng lãi suất bây giờ đã cao hơn. Do vậy, quá trình đi lên của thị trường sẽ mang yếu tố chọn lọc hơn và gập ghềnh hơn.
“Thời điểm này, nhà đầu tư cần có sự thay đổi về mặt tư duy bởi dòng tiền thông minh trên thị trường sẽ luôn đi trước những biến động vĩ mô. Tại những nhịp điều chỉnh, có thể tìm kiếm lợi nhuận ở những doanh nghiệp tăng trưởng kết quả kinh doanh tốt, hoạt động lành mạnh” ông Tuấn khuyến nghị.
Với diễn biến tuần này, SHS đánh giá VN-Index gần như đi ngang với khối lượng giao dịch thấp, cho thấy giai đoạn điều chỉnh để tích lũy có thể sắp kết thúc. Song, thị trường vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh của sóng hồi và sau đó chỉ số chính nhiều khả năng sẽ có đợt tăng điểm ngắn hạn tiếp theo để hướng tới vùng kháng cự 1.150 điểm.
Theo nhóm phân tích này, thị trường đã qua đáy ngắn hạn, bước vào giai đoạn phục hồi đầu tiên nhưng chưa xác nhận uptrend cho đến khi xuất hiện 1 giai đoạn tích lũy rõ ràng hơn. Các tín hiệu ngắn hạn trong tuần này cho thấy thị trường sắp kết thúc giai đoạn tích lũy lại và sẽ mở ra cơ hội đầu tư ngắn hạn, do đó nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng đợt điều chỉnh để tăng tỷ trọng đón đầu đợt hồi phục kỳ vọng sắp xảy ra.
Với góc nhìn trung hạn, thị trường dù chưa xác nhận sẽ có uptrend thực sự, nhưng đã hình thành sóng hồi phục, nhiều cổ phiếu dẫn dắt hoặc những cổ phiếu có nền tảng cơ bản và tăng trưởng tốt đã bắt đầu có những đợt bứt phá vượt đỉnh để đi con đường riêng của mình thì các đợt điều chỉnh vẫn là cơ hội để mua vào tăng tỷ trọng danh mục. SHS khuyến nghị cơ hội để giải ngân trung và dài hạn sẽ dần xuất hiện nhiều hơn trong quá trình thị trường hồi phục. Các cổ phiếu tiềm năng cơ bản tốt, tăng trưởng ổn định và bắt đầu có bứt phá vượt đỉnh nên là mục tiêu cần ưu tiên.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, VCBS cho rằng VN-Index vẫn đang giằng co tích lũy quanh mốc 1.050 điểm. Các chỉ báo ngắn hạn vẫn đang có xu hướng bẻ ngang trung lập thể hiện sự lưỡng lự, trung lập. Mặc dù lực cầu vẫn chưa trở lại nhưng VN-Index vẫn đang nằm trong sóng phục hồi nên sẽ cần thêm thời gian tích lũy để quay trở lại đà tăng, hướng lên các vùng điểm cao phía trên.
Nếu áp lực bán bất ngờ xuất hiện, vùng điểm 1.030 điểm vẫn được xác định là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn, có thể bán lướt sóng các cổ phiếu đã có nhịp tăng tốt, nâng cao tỷ trọng tiền mặt để chờ đợi cơ hội giải ngân ở vùng giá tốt hơn khi thị trường rung lắc.