ZaloPay lỗ hơn nghìn tỷ trong năm 2021
Báo cáo tài chính hợp nhất Q4/2021 của Công ty cổ phần VNG cho thấy, lũy kế cả năm 2021, Zion (đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay) đã lỗ tới 1.200 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với số lỗ 667 tỷ đồng năm 2020.
Nắm 60% cổ phần Zion, VNG trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào đơn vị này hơn 1.540 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần so với hồi đầu năm.
Khoản lỗ lớn đến từ chiến lược mà ví điện tử hiện đang theo đuổi, đó là chi tiền mạnh tay cho các hoạt động khuyến mãi thu hút người dùng, như tặng voucher giảm giá, thanh toán hóa đơn, mua hàng trực tuyến.
Nhiều năm nay, ZaloPay vốn được xem là “con cưng” trong hệ sinh thái của VNG sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trung gian thanh toán, là phương tiện thanh toán được sử dụng trên nhiều nền tảng của VNG và có lợi thế từ khoảng 100 triệu người dùng Zalo và tệp khách hàng mảng game của công ty công nghệ này.
Tuy nhiên, ví điện tử vốn là cuộc chơi khốc liệt, khi ngày càng có nhiều tay chơi nội và ngoại muốn gia nhập vào thị trường này. Thống kê của NNHN cho biết, hiện thị trường Việt Nam có khoảng 43 ví điện tử và tổ chức trung gian thanh toán không phải ngân hàng được chính thức cấp phép hoạt động. Con số này đã tăng gấp 7 lần so với năm 2015. Bên cạnh các thương hiệu “quen mặt” với người tiêu dùng nhiều năm nay như: MoMo, VNPAY, ShopeePay (trước đây là Airpay), ViettelPay, ZaloPay, Moca, Payoo, thị trường ví điện tử đang ngày một sôi động hơn với sự góp mặt của hàng loạt fintech như: VNPT Pay (thuộc VNPT), SenPay (thuộc FPT), MobiFone Pay (thuộc MobiFone), eM (đã được Alibaba mua lại 1 phần cổ phần và đang tích hợp vào Lazada), SmartPay, G-Pay…
Lời giải đến từ cái bắt tay với Funding Societies?
VNG đang đi tìm lời giải cho ZaloPay, có lẽ bắt đầu với cái bắt tay thông qua khoản đầu tư 22,5 triệu USD gần đây vào Funding Societies – công ty đang dẫn đầu thị trường khu vực về tài trợ vốn kỹ thuật số, đồng thời thúc đẩy công tác quản lý chi phí và dịch vụ thanh toán B2B cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trên khắp Đông Nam Á
Funding Societies hiện cung cấp các khoản vay nhỏ từ 500 USD cho tới 1,5 triệu USD, có thể được giải ngân nhanh trong vòng 24 giờ, đáp ứng kịp thời cho các MSME, những doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn liên quan đến tiếp cận các nguồn vốn kinh doanh.
Thông qua Zalo và ZaloPay, công ty có thể nhanh chóng tiếp cận khách hàng là các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó thực hiện các khoản vay nhỏ, hỗ trợ vốn cho đối tượng này, đổi lại ZaloPay có thể gia tăng nguồn thu, cũng như chọn được cho mình một hướng đi ít cạnh tranh như chiến lược được ông Ryan Galloway, Giám đốc Quốc gia mới tại Việt Nam đã chia sẻ.
Từ nhiều năm nay, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là một thị trường màu mỡ. Tại Việt Nam, SME chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc, đóng góp khoảng 40% GDP và 29% ngân sách quốc gia.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, đây là nhóm doanh nghiệp dễ chịu tổn thương, nhưng cũng có khả năng tái khởi động kinh doanh và phục hồi nhanh chóng nếu được đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính đầy đủ và ổn định. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại khu vực châu Á cho thấy, hầu hết SME gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tài chính và thiếu vốn là một bước cản mang yếu tố cốt lõi đối với sự phát triển của từng doanh nghiệp.
Do đó, cái bắt tay giữa VNG và Funding Societies có thể mở ra hướng đi tích cực cho ZaloPay, thông qua việc tài trợ vốn cho các SME hay MSME.
Thực tế, trước VNG, ông lớn trong ngành bán lẻ là Seedcom, cũng từng đưa ra chiến lược tương tự, khi công ty này hợp tác chiến lược với KVision – thuộc Kasikornbank Public Company Limited, một tổ chức tài chính hàng đầu tại Thái Lan.Theo quan hệ đối tác chiến lược, Seedcom và KVision sẽ cung cấp cho các chủ cửa hàng và người tiêu dùng tại Việt Nam các sản phẩm dịch vụ tài chính, gồm các giải pháp thanh toán, cho vay DNVVN và các dịch vụ khác như bảo hiểm và quản lý tài sản.
Nguồn: The Leader