Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có đến hơn 1.600 cổ phiếu trên cả 3 sàn trong đó riêng HoSE đã có hơn 400 cổ phiếu niêm yết. Sự chênh lệch lớn về quy mô vốn hóa giữa các doanh nghiệp khiến các chỉ số mang tính tổng thể như VN-Index hay VNAllShare không phản ánh chính xác biến động của thị trường.
Để có cái nhìn sâu hơn về thị trường, HoSE đã phân hạng và xây dựng các bộ chỉ số VN30 (30 cổ phiếu hạng 1), VNMidcap (70 cổ phiếu hạng 2) và VNSmallcap – chỉ số phản ánh biến động giá của các cổ phiếu nhỏ trong VNAllShare. Điều này giúp nhà đầu tư quan sát được kỹ lưỡng hơn biến động của từng phân khúc và phần nào khắc phục được tình trạng chỉ số bị “bóp méo”.
Điển hình có thể kể đến những phiên “xanh vỏ đỏ lòng” với VN-Index tăng điểm nhưng phần lớn các cổ phiếu vừa và nhỏ trên sàn lại giảm sâu. Chỉ số được gánh bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn với trọng số cao gây ảnh hưởng đến góc nhìn của nhà đầu tư. Vì thế, VNSmallcap được đánh giá phản ánh sát biến động giá của các cổ phiếu nhỏ trên thị trường hơn so với VN-Index.
Cổ phiếu trong rổ VNSmallcap cũng phải đáp ứng một số tiêu chí như (1) không thuộc trường hợp bị cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch và có thời gian niêm yết trên HoSE tối thiểu 6 tháng; (2) tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free-float) >=10%; (3) thanh khoản >= 0,05%; (4) giới hạn tỷ trọng vốn hoá 10%.
Số lượng cổ phiếu thành phần của VNSmallcap không cố định và thời điểm hiện tại con số này đang là 219. Trong đó, 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong danh mục tại thời điểm cuối tháng 5/2022 gồm BCG, VIX, FRT, HAH, HDC, VSC, LDG, TDM, FTS, HQC với tổng tỷ trọng 24,7%.
Tỷ trọng danh mục VNSmallcap. Nguồn: HoSE
Từ đầu tháng 4, sóng gió bắt đầu bủa vây thị trường khiến phần lớn cổ phiếu giảm sâu. Các chỉ số quan trọng như VN-Index, VN30, VNMidcap (VNMID) hay VNSmallcap (VNSML) đều có hiệu suất khá tệ từ đầu năm.
Với vốn hóa chiếm khoảng 80% thị trường, không bất ngờ khi VN30 tương đối đồng pha VN-Index với cùng mức giảm khoảng 18% so với đầu năm. Sự khác biệt được phản ánh rõ rệt qua biến động của VNMID và VNSML khi lần lượt giảm 29% và 33% từ đầu năm. Hiệu suất của 2 chỉ số này tệ hơn nhiều so với VN-Index cho thấy mức độ ảnh hưởng của cơn bão vừa qua đối với các cổ phiếu vừa và nhỏ có phần nặng nề hơn.
VNSmallcap giảm mạnh nhất trong số các chỉ số quan trọng từ đầu năm
Khi giông bão kéo đến, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch từ các nhóm có tính đầu cơ, rủi ro cao để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn là điều dễ hiểu. Thêm nữa, nhiều cổ phiếu nhỏ với tính đầu cơ cao cũng đã có những thời điểm tăng bằng lần, thậm chí hàng chục lần chỉ trong một thời gian ngắn trước đó. Vì thế, áp lực chốt lời mạnh đương nhiên khó tránh khỏi.
Theo số liệu từ HoSE, trong năm 2021, VNSML tăng đến gần 98% và vượt trội hơn hẳn so với các chỉ số chính khác. Ngay cả khi giảm mạnh từ đầu năm 2022, chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng 27% trong vòng 1 năm tính đến hết 31/5/2022. Điều này phần nào cho thấy sự bùng nổ của các cổ phiếu nhỏ trong giai đoạn thị trường thăng hóa trước đó.
Triển vọng của TTCK Việt Nam trong dài hạn vẫn được giới phân tích đánh giá cao nhờ tình hình vĩ mô ổn định, định giá hợp lý trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần nhìn nhận một cách thực tế rằng “thời mua gì cũng lãi” đã qua. Thị trường sẽ ngày càng phân hóa hơn theo hướng tích cực khi cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt sẽ hút tiền mạnh hơn hay ít nhất cũng vững vàng hơn trước những đợt sóng gió.
Một ví dụ điển hình như VNDiamond – chỉ số hiện bao gồm 18 cổ phiếu đáp ứng điều kiện tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ít nhất 95%. Chỉ số này đương nhiên cũng có thời điểm chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường chung như sau đó đã hồi phục mạnh mẽ để nhanh chóng lấy lại những gì đã mất. Với danh mục gồm những cổ phiếu của các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong các lĩnh vực “hot” như tiện ích, bán lẻ, công nghệ,… VNDimond có hiệu suất ấn tượng cũng không phải điều bất ngờ.