Chỉ trong nửa năm của năm 2022, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) đã lãi 1.215 tỷ đồng, con số gần bằng cả năm ngoái.
95% doanh thu của VNX đến từ giao dịch chứng khoán
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) là đơn vị nắm toàn bộ vốn của HoSE và HNX. Do chính thức hoạt động từ tháng 8/2021 trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) nên đây là kỳ báo cáo tài chính bán niên đầu tiên của VNX. Được biết, trong báo cáo tài chính này, hầu hết số liệu được hợp nhất từ kết quả kinh doanh của hai công ty con.
Sáu tháng đầu năm, doanh thu thuần của VNX đạt 1.981 tỷ đồng. 95% trong đó đến từ dịch vụ giao dịch chứng khoán. Còn phần doanh thu thiểu số còn lại đến từ dịch vụ niêm yết, quản lý thành viên, đấu giá…
Sau khi trừ hết các chi phí, khoản lãi trước thuế của VNX là 1.518 tỷ đồng, lãi sau thuế là 1.215 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính, khoản lãi trong giai đoạn này ghi nhận từ HoSE là 918 tỷ đồng và 273 tỷ đồng từ HNX. Gần 2% lợi nhuận sau thuế được VNX trích cho quỹ khen thưởng phúc lợi, toàn bộ số còn lại nộp về ngân sách Nhà nước.
Tổng tài sản của VNX tính đến cuối tháng 6 xấp xỉ 4.100 tỷ đồng. Trong số đó, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn lẫn không kỳ hạn chiếm đến 2.800 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của VNX hiện nay là 3.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính – đại diện Nhà Nước sở hữu 100% vốn. Mô hình hoạt động của VNX là công ty mẹ – công ty con. Mục tiêu là thống nhất về mô hình tổ chức, chính sách, cơ chế, tư duy phát triển, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ thị trường chứng khoán.
HNX và HoSE hoạt động độc lập, bổ trợ nhau
Lãnh đạo VNX cho biết, nhiệm vụ của 2 công ty con tương đối độc lập nhưng vẫn hỗ trợ và bổ sung cho nhau, từ đó tạo ra một thị trường chứng khoán toàn diện và tổng thể, tiếp cận từng bước tới chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, sự giao thoa trong một số hoạt động của hai công ty con khi thị trường phát triển đến một cấp độ nào đó đã làm giảm đi gia tốc phát triển.
Việc cả hai đều tổ chức vận hành thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp nhưng lại thiếu đồng bộ về cơ chế, phương thức giao dịch, kỹ thuật giao dịch… Thêm nữa, hạ tầng công nghệ của mỗi Sở có sự riêng biệt nên đòi hỏi thành viên thị trường cần duy trì hệ thống kết nối độc lập.