Bài viết dưới đây, Vimoney sẽ giúp quý độc giả hiểu rõ hơn vốn đầu tư công là gì và cách phân loại vốn đầu tư công.
Khái niệm đầu tư công là gì?
Khái niệm đầu tư công được quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật đầu tư công năm 2019: “Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật này.
Hoạt động đầu tư công bao gồm lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công”
Phân loại đầu tư công
Theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, đầu tư công được phân loại dựa vào tính chất. Chia thành:
- Dự án có cấu phần xây dựng: Đây là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng. Nó bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án.
- Dự án không có cấu phần xây dựng: Đây là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác nhưng không quy định tại điểm a khoản này.
Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng cơ sở vật chất là dự án đầu tư có cấu phần xây dựng thì phải được thực hiện theo quy trình lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.
Các hoạt động sửa chữa, bảo trì dự án thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Thông tư hướng dẫn số 92/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Nguyên tắc quản lý đầu tư công
Điều 12 Luật đầu tư công năm 2014 quy định về các nguyên tắc quản lý đầu tư công như sau:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
- Cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công phải thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn.
- Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.
- Bảo đảm công khai, minh bạch về chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách – pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; kế hoạch, các chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn đầu tư công từng năm; tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công… phải tách bạch, rõ ràng.
Vốn đầu tư công là gì?
Vốn đầu tư công là là nguồn vốn Nhà nước chi tiền ngân sách đầu tư vào các dự án cần thiết phục vụ đời sống của nhân dân cũng như sự phát triển của cộng đồng.
Vốn đầu tư công gồm có: Vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư…
Vốn đầu tư công được sử dụng để đầu tư vào các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cũng như các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Phân loại vốn đầu tư công
Vốn đầu tư công được chia thành 5 loại, gồm:
- Vốn ngân sách nhà nước: Hiểu là nguồn vốn được quyết định và giải ngân vốn đầu tư công đến các bộ ngành, địa phương, lấy từ ngân sách nhà nước, dùng để xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội. Nguồn vốn này không hoàn lại, không thu hồi vốn hoặc thu hồi vốn chậm. Nó đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế Nhà nước.
- Vốn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ: Nguồn vốn này đến từ các chương trình hỗ trợ đầu tư quốc gia, do chính phủ nhà nước quyết định.
- Vốn tín dụng đầu tư: Nguồn vốn của Nhà nước, Chính phủ cho vay bằng mức lãi suất với nguồn vốn tự do hoặc ODA. Vốn này để đầu tư vào các dự án được Nhà nước ưu tiên để thực hiện mục tiêu nhất định.
- Vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước: Gồm giải ngân tiền vốn từ ngân sách NN đã cấp cho doanh nghiệp, cùng với các khoản thu có lợi nhuận hoặc vốn vay của doanh nghiệp do Nhà nước bảo lãnh.
- Vốn vay trong nước và nước ngoài: Nguồn vốn trong nước có thể là trái phiếu địa phương hoặc trái phiếu chính phủ (phiếu ngoại tệ, phiếu kho bạc, trái phiếu đầu tư, công trái xây dựng…).
Vai trò của đầu tư công
Đầu tư công đóng vai trò vô cùng đặc biệt đối với sự phát triển của Việt Nam. Nó là động lực chính thức góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư công thường được cho là đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Chính vì thế, nó hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân trong quá trình đầu tư hoạt động kinh tế. Cụ thể, họ được hưởng lợi khi hoạt động kinh doanh trong khu vực có hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng khi không mất thêm chi phí hoặc chi phí thấp hơn.
Giai đoạn 1995-2013, đầu tư công chiếm 40% tổng đầu tư, cao gấp đôi tỷ trọng FDI và đầu tư tư nhân. Năm 2010, đầu tư công giảm nhẹ và phục hồi vào năm 2011, đạt mức cao của năm 2009 (40,4% tổng vốn đầu tư).
Trong bối cảnh năm 2020 nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, đầu tư công không chỉ đóng vai trò là “vốn mồi” mà còn là nguồn vốn quan trọng, góp phần hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Để vốn đầu tư công được phát huy một cách triệt để, hiện Việt Nam đã chú ý hơn khi triển khai đồng bộ các giải pháp. Các bộ, ngành, địa phương đã rốt ráo vào cuộc nhằm thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ dự kiến tổng mức vốn ngân sách dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này sẽ tăng 120.000 tỷ đồng so với dự kiến trước đó, lên 2,87 triệu tỷ đồng.