Đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào, vốn điều lệ đóng một vai trò quan trọng. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ vốn điều lệ là gì và ý nghĩa của vốn điều lệ với một doanh nghiệp cũng như tình hình vốn điều lệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Vốn điều lệ là gì
Theo Luật doanh nghiệp năm 2014, vốn điều lệ (tiếng Anh là charter capital) là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu và thành viên công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng kí mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Như vậy, chỉ có tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ mới là số vốn mà các thành viên, cổ đông cam kết góp/đăng ký mua vào công ty. Nếu sau thời hạn nêu trên mà thành viên, cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết góp/đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị thực góp.
Tài sản tham gia góp vốn điều lệ vào doanh nghiệp bao gồm tiền mặt hoặc các vật chất tương đương có thể quy đổi ra tiền mặt như: vàng, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, giá trị quyền sử dụng đất, công nghệ hoặc các tài sản khác có thể định giá được và có sự thỏa thuận đồng ý về giá trị tài sản của tất cả các thành viên góp vốn.
Tùy vào năng lực và tiềm lực tài chính của cá nhân, tổ chức mà doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ phù hợp.
Ví dụ về vốn điều lệ:
Công ty TNHH X do hai thành viên A, B thành lập. Thành viên A đăng ký góp vốn 1 triệu USD và cam kết góp đủ số tiền này trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tương tự thành viên B đăng ký góp vốn 500.000 USD và cam kết góp đủ vốn vào công ty trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy: Hai thành viên A và B đăng ký tổng mức vốn góp vào công ty là 1 triệu USD + 0.5 triệu USD = 1,5 triệu USD.
Khi đó 1,5 triệu USD được gọi là vốn điều lệ của công ty TNHH X. Đây là vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Ý nghĩa, vai trò của vốn điều lệ
– Ý nghĩa lớn nhất của vốn điều lệ là xác định tỉ lệ phần phần góp vốn hay sở hữu cổ phần của thành viên. Từ đây, vốn điều lệ làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty. Cổ đông có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp cũng như được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
– Cơ sở quan trọng đảm bảo sự tồn tại tư cách pháp nhân của một doanh nghiệp trước pháp luật.
– Vốn điều lệ cũng là một trong những cơ sở để xác định điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Ví dụ: theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thì một trong các điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ là phải có mức vốn điều lệ tối thiểu là 100 tỷ đồng.
– Vốn điều lệ thể hiện cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp với khách hàng, đối tác. Do đó, vốn điều lệ càng cao, thì độ tin cậy của khách hàng, đối tác với doanh nghiệp càng lớn.
Tình hình vốn điều lệ tại Việt Nam năm 2021
Bất chấp tình hình dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tăng vốn mạnh. Theo thống kê của FiinPro, trong 3 quý đầu năm 2021, khoảng 257 doanh nghiệp đã tiến hành tăng quy mô vốn thông qua phát hành cổ phần nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 40.000 tỷ đồng bao gồm ngân hàng VietinBank ( HoSE: CTG ), Tập đoàn Hòa Phát ( HoSE: HPG ), Công ty cổ phần Vinhomes ( HoSE: VHM ), ngân hàng BIDV ( HoSE: BID ) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ( HoSE: GVR ).
Bài viết trên đây đã cung cấp thông tin vốn điều lệ là gì và vai trò của vốn điều lệ trong doanh nghiệp. Hi vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ về vốn điều lệ!