Mất gần 47 tỷ đồng khi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hòa, vị khách hàng này đã gửi đơn cầu cứu Bộ Công an.
Theo đó, nạn nhân của vụ việc là bà Hồ Thị Thùy Dương (ngụ TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Hôm 16/3, bà Dương cho biết đã gửi đơn lên Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an kêu cứu về việc mất tiền khi gửi vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, chi nhánh tỉnh Khánh Hòa). Được biết, sự việc diễn ra từ tháng 5/2022 đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Đăng ký biến động số dư nhưng bị rút tiền vẫn không nhận được tin nhắn
Bà Dương cho hay mở tài khoản số 0500420042321 tại Phòng giao dịch Cam Ranh, Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hòa vào nhiều năm trước và phát hiện tài khoản của mình mất tiền vào tháng 5/2022.
Bà Dương đã đề nghị ngân hàng trích lục sao kê thì thấy có tổng cộng 12 giao dịch, trong đó có 9 giao dịch rút tiền mặt, 3 giao dịch chuyển khoản với số tiền 46,9 tỷ đồng, diễn ra từ 4/5/2022 đến 14/6/2022.
Theo chia sẻ của bà Dương, tất cả giao dịch đều diễn ra trong khoảng thời gian 18h-21h. Trong đó, 9 giao dịch bằng tiền mặt, thực hiện ngoài giờ hành chính và không có mặt bà.
Bà Dương cũng cho biết không ủy quyền cho ai giao dịch, có đăng ký biến động số dư qua tin nhắn nhưng không nhận được bất cứ một tin nhắn nào báo trong thời gian dài.
Sau nhiều lần làm việc với Sacombank, bà Dương cho hay, Phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh – Nguyễn Thị Thanh Hà đã (đã bị khởi tố, bắt giam) và các cán bộ ngân hàng khác đã thừa nhận hành vi rút trộm tiền từ tài khoản của bà Dương. Họ cũng xác nhận số tiền rút trộm đến thời điểm thực hiện sao kê tài khoản là 46.9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phía Sacombank không trả lại tiền cho bà Dương nên ngày 4/1, bà Dương đã gửi đơn kêu cứu đến Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 – Bộ Công an).
Sacombank nói gì?
Liên quan đến vụ việc của bà Dương, đại tá Nguyễn Quang Phương, Phó Cục trưởng Cục C03 ngày 9/1 cho biết đã có phiếu chuyển đơn của bà Dương đến Công an tỉnh Khánh Hòa. Kết quả điều tra sẽ được thông báo về Cục C03.
Ngày 10/1, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cũng có văn bản về việc chuyển đơn của bà Hồ Thị Thùy Dương đến Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
Ngày 17/1, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn bản trả lời bà Dương, nội dung viết: “Vụ việc bị Công an Khánh Hòa khởi tố và điều tra nên Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng đề nghị bà gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa để được giải quyết.
Trong khi đó, phía Ngân hàng Sacombank có văn bản ủy quyền cho luật sư thông báo sẽ hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng cho bà Dương trong thời gian chờ kết quả xử lý của cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, bà Dương cho biết đã phúc đáp không chấp nhận số tiền hỗ trợ 15 tỷ đồng của ngân hàng. Lý do, bà mất 47 tỷ đồng, không liên quan đến các sai phạm tại Phòng giao dịch Cam Ranh và từ khi mất tiền công việc làm ăn của bà khó khăn, thiệt hại lớn do bạn hàng bỏ đi nơi khác.
Thông tin trên Zing, Giám đốc Sacombank Khánh Hòa Cao Phi Kiều vào sáng 16/3 xác nhận vụ việc và cho biết, ngân hàng đã nhiều lần làm việc với bà Dương nhưng không thể giải quyết vấn đề.
Theo vị này, có nhiều cá nhân cũng mất tiền ở Phòng giao dịch Cam Ranh. Ngân hàng muốn giải quyết vụ việc, nhưng Công an tỉnh Khánh Hòa đang giải quyết vụ án ở Phòng giao dịch Cam Ranh. Do đó, ngân hàng cũng đang chờ ý kiến từ phía công an để có hướng giải quyết đối với trường hợp chị Dương.
Nhận định về quan điểm của lãnh đạo Sacombank Khánh Hòa nói rằng đang chờ ý kiến từ phía công an để có hướng giải quyết, trên Zing, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hãng luật Hưng Yên) cho rằng cách xử lý này chưa hợp tình hợp lý.
Luật sư Quynh cho rằng, trong quá trình gửi tiền, ngân hàng có trách nhiệm đối với tiền gửi của khách hàng. Do vậy, khi xảy ra sự cố hay mất mát, thì ngân hàng có trách nhiệm hoàn trả khách hàng số tiền đó.
“Theo lãnh đạo Sacombank Khánh Hòa, ngân hàng đã trả tiền cho một số khách hàng. Vậy tại sao chưa trả tiền cho bà Dương như khách hàng khác mà phải chờ ý kiến từ phía công an?
Tiến trình của một vụ án hình sự có thể kéo dài từ một đến vài năm, nếu chờ ý kiến kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng mới giải quyết trường hợp của bà Dương thì quyền lợi của khách hàng sẽ không được đảm bảo, gây ảnh hưởng lớn tới công việc và cuộc sống của người này”, luật sư Quynh nói.