Báo cáo tài chính quý IV cho thấy hoạt động kinh doanh của Thế Giới Di Động tiếp tục tăng trưởng cao.
Thế Giới Di Động thu hơn 5 tỷ USD năm 2021
Theo đó, doanh thu bán hàng của Thế Giới Di Động (MWG) đạt gần 36.500 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, lợi nhuận gộp cũng tăng 18%, ở mức 7.375 tỷ đồng.
Trong quý này, dù chi phí tài chính tăng lên 225 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng lên 4.853 tỷ đồng (tăng 14%) thì chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ còn 666 tỷ đồng (giảm 15%).
Nhưng tính chung lại, lợi nhuận sau thuế Thế Giới Di Động thu về là 1.563 tỷ đồng, so với cùng kỳ quý IV/2020 cao hơn 66%. Về kết quả này, MWG chia sẻ, khi nói lỏng giãn cách xã hội, hầu hết các cửa hàng của Thế Giới Di Động đã hoạt động trở lại gần như bình thường từ đầu tháng 10/2021.
Đặc biệt, sự bứt phá ngoạn mục đến từ chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) với 30.400 tỷ đồng đóng góp trong quý IV, tăng trưởng 45%.
Tính lũy kế cả năm, doanh thu bán hàng của tập đoàn bán lẻ này tăng 13% lên gần 124.142 tỷ đồng, tức gần 5,5 tỷ USD. Lợi nhuận sau thuế của MWG tăng 25%, đạt hơn 4.900 tỷ đồng so với năm 2020.
Đến thời điểm này, Thế Giới Di Động hoàn thành xấp xỉ mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng mà cổ đông MWG thông qua trước đó. Không những vậy, MWG vượt 3% mục tiêu lợi nhuận đặt ra ở mức 4.750 tỷ đồng.
Dù không khả quan ở khía cạnh nhu cầu thị trường, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng dù nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng nhưng trong cơ cấu, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tăng trưởng dương, đạt tổng doanh thu 94.300 tỷ đồng. Kết quả này được đánh giá là vượt bậc.
Thế Giới Di Động lấn sân kinh doanh đa ngành
Trong một diễn biến mới nhất, Thế Giới Di Động tung ra 5 chuỗi bán lẻ trái ngành tấn công vào các lĩnh vực thời trang, thế thao, trang sức, mẹ và bé, xe đạp… với tên thương hiệu AVA World. Được biết, chiến lược của Thế Giới Di Động là đạt doanh thu 10 tỷ USD vào 2025. Có thể thấy, MWG đã đi được hơn một nửa chặng đường.
Năm 2021, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp được mở rộng gần 63.000 tỷ đồng, tăng thêm 37%. Trong đó, có tới hơn 29.000 tỷ đồng nằm ở hàng tồn kho. Ngoài ra, gần 18.400 tỷ đồng là lượng tiền, tiền gửi ngân hàng.
Năm 2021, dư nợ vay ngắn và dài hạn của Thế Giới Di Động là 24.647 tỷ đồng, tăng gần 7.900 tỷ đồng do MWG mở rộng, đẩy mạnh chính sách đòn bẩy tài chính.
Hiện nay, dù vốn điều lệ của MWG là 7.130 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của tập đoàn này lên đến 12.675 tỷ đồng. Năm 2022, tập đoàn này tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu thuần 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và khoảng 30% so với năm ngoái.
Các đơn vị thành viên lớn mà Thế Giới Di Động hiện đang sở hữu gồm có: Thế giới di động, điện máy xanh, Trần Anh, Bách Hóa Xanh, MWG Cambodia, 4K Farm, Bảo hành Tận Tâm, Logistic Toàn Tín. Ngoài ra, tập đoàn này mới đây đã thâu tóm và nắm giữ 99,99% nhà thuốc An Khang.
Cát Anh (T/h)