Tổ chức y tế thế giới WHO vừa phát đi thông điệp khuyến cáo mọi người nên rửa tay thường xuyên và nên ngừng giao dịch tiền mặt nếu có thể bởi tiền giấy, tiền polymer, tiền xu có thể là một nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2. Tờ bạc giấy cũng như các bề mặt khác như tay nắm cửa điện thoại, thẻ tín dụng đều có thể là nơi cư trú của nhiều loại vi khuẩn cũng như virus. WHO khuyến nghị người tiêu dùng nên sử dụng phương thức thanh toán phi tiền mặt nếu có thể.
Theo số liệu mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Viện vệ sinh dịch tễ TW, các chuyên gia đã đếm lượng vi khuẩn và cho kết quả trong 1 gram tiền giấy có tới 210.000.000 hiếm khí và 32.000 vi khuẩn gram âm. Bởi vậy trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp dù chưa có trường hợp nào chứng minh việc lây nhiễm SARS-CoV-2 từ tiền mặt nhưng nguy cơ thực tế là có. Vậy ngành ngân hàng sẽ phải ứng phó như thế nào với nguy cơ lây nhiễm từ tiền mặt?
Chủ trương dùng tiền mặt đã được chính phủ và toàn ngành ngân hàng đẩy mạnh từ lâu nhưng do tập quán, thói quen và những hạn chế về cơ sở hạ tầng, niềm tin của người tiêu dùng khiến cho chính sách này vẫn chưa đi sâu vào trong nhân dân. Tuy nhiên về vấn đề vệ sinh, nhiều nghiên cứu cho thấy tiền mặt tiềm ẩn nhiều vi khuẩn, có nguy cơ gây nhiều bệnh truyền nhiễm cho con người.
Kinh nghiệm Quốc tế: đề phòng nguy cơ lây nhiễm từ tiền mặt
Một nghiên cứu năm 2014 của Đại Học New York cho thấy có 3.000 loại vi khuẩn lưu lại trên tờ đô la Mỹ do mức độ lưu thông rộng và mức độ thường xuyên được trao tay của loại tiền này. Đô la mỹ được coi là đồng tiền dự trữ toàn cầu, loại tiền tệ được phân phối rộng nhất trên thế giới.
Hiện có khoảng 1,75 nghìn tỷ đô la mỹ tiền mặt đang được lưu thông trên toàn thế giới. Theo Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), phần lớn trong số đó đang lưu thông ở nước ngoài, đặc biệt là tại các nước Châu Á – khu vực mà đồng bạc xanh thường mạnh hơn so với các đồng tiền địa phương. Đại diện của FED cho biết, sẽ phân loại riêng những đồng tiền trở về từ Châu Á và cách ly từ 7-10 ngày trước khi xử lý và phân phối lại cho các tổ chức tài chính.
Ngoài Hàn Quốc thì Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBoC) đã sử dụng tia cực tím và nhiệt độ cao để khử trùng tiền mặt đã qua sử dụng; sau đó niêm phong và lưu trữ trong khoảng từ 7-14 ngày tùy thuộc vào mức độ dịch Covid-19 gây ra ở từng địa phương.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cũng đã đưa thêm 500 tỷ Baht, tương đương với 15,91 tỷ đô la Mỹ tiền mới vào lưu thông nhằm nâng cao tỉ lệ tiền giấy sạch không có virus tồn tại trên bề mặt. Ngoài ra BoT cũng đã thu hồi và cách ly tiền cũ trong vòng 14 ngày trước khi đưa trở lại lưu thông. Thái Lan cũng đã lắp đặt các máy khử trùng toàn thân tự động tại 2 trung tâm thương mại lớn nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm. Theo thông tin công bố trên báo chí, các cửa khử trùng này có thể ngăn tới 90% cơ hội lây lan của virus.
Ở Châu Âu, bảo tàng Louvre tại Paris của Pháp cũng đã cấm các giao dịch tiền mặt và chỉ chấp nhận những thanh toán bằng thẻ tín dụng. Đây là một hành động cho thấy nỗ lực của cơ quan này để nhân viên an toàn và thoải mái hơn trong công việc hàng ngày.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung Ương Anh phát đi thông báo về việc tiền mặt cũng giống như tay nắm cửa hay các bề mặt bàn ghế đều có thể là nơi cư trú của các loại vi khuẩn và virus, đồng thời khuyến khích người dân tích cực rửa tay sau khi sử dụng loại hình thanh toán có tiếp xúc này.
Tại Việt Nam, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sẽ chỉ đạo Cục phát hành kho quỹ tạm thời tập trung cung cấp tiền mới ra thị trường, tiền cũ thu về sẽ lưu trữ tại kho trong thời gian nhất định. Việt Nam hiện đang là 1 trong những nền kinh tế có tỉ lệ sử dụng tiền mặt cao nhất Thế giới với hơn 90% giao dịch vẫn là tiền mặt.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì việc khuyến khích và thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt là hoàn toàn hợp lý. Việc này vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân vừa giúp phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là dịp để cộng đồng dịch chuyển mạnh hơn trong xu hướng mới là thanh toán không dùng tiền mặt.