Giá xăng tăng liên tục khiến hàng hóa, dịch vụ thiết lập mặt bằng giá mới. Thế nhưng dù giảm 4 đợt liên tiếp nhưng đến giờ hàng hóa vẫn chưa giảm theo.
Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý
Giá xăng dầu tăng liên tục từ đầu năm khiến hàng hoá, dịch vụ thiết lập mặt bằng giá mới. Nhưng dù giá xăng đã giảm 4 đợt liên tiếp, với tổng mức hạ là hơn 6.500 đồng/lít, giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn chưa giảm theo tỷ lệ.
Trong bối cảnh, nửa cuối năm, áp lực lạm phát lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
Cụ thể, Bộ Công Thương được giao theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu trên thế giới; cùng với đó là linh hoạt trong việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn trong điều hành sao cho giá xăng dầu trong nước phù hợp. Bộ Công Thương cần xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ và găm hàng.
Về phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Tài chính được yêu cầu báo cáo Chính phủ.
Điều hòa cung – cầu, ổn định giá
Trong bối cảnh dịch vụ vận tải, logistics tăng bởi tác động của giá dầu, Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Giao thông vận tải cùng với các địa phương tiến hành rà soát, kê khai giá vận tải của doanh nghiệp nhằm đánh giá việc điều chỉnh trong thời gian vừa qua phù hợp với các yếu tố đầu vào hay không, nhất là chi phí xăng dầu trong việc hình thành giá.
Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu trong nước đã qua 20 đợt điều chỉnh giá (tính cả đợt điều chỉnh vào chiều 1/8), trong đó 13 đợt tăng, 7 lần giảm.
Giá xăng dầu từ đầu năm đến nay đã được điều chỉnh 20 đợt với 13 đợt tăng, 7 đợt giảm. Tuy nhiên, việc giá một số mặt hàng thiết yếu, đặc biệt giá thịt lợn tăng vọt đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 7 tăng 0,4%. Không khó hiểu, bởi trong rổ tính CPI, các mặt hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Thủ tướng yêu cầu phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá một cách kỹ càng tình hình sản xuất, xem xét nhu cầu tiêu dùng trong nước – xuất khẩu, điều hoà cung cầu các mặt hàng này nhằm ổn định giá.
Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng và các địa phương được Thủ tướng giao quản lý nguồn cung, xử lý các trường hợp găm hàng khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá tăng cao một cách bất hợp lý. Điều này khiến tiến độ xây dựng của các công trình, dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng còn được yêu cầu phải cập nhật biến động, đồng thời rút ngắn chu kỳ công bố giá các loại vật liệu.