Để thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, Chính phủ sẽ xem xét mở rộng diện áp dụng miễn thị thực (visa) đơn phương.
Nghiên cứu mở rộng diện miễn thị thực đơn phương
Chính phủ vào ngày 18/5 đã ban hành nghị quyết về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch. Theo phân công, Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về mở rộng diện miễn thị thực đơn phương. Trong khi đó, nhiệm vụ của các Bộ, ngành khác là thúc đẩy đàm phán hiệp định miễn thị thực với các nước, nhất là đối tác có trình độ tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam.
Từ thời điểm tháng 3, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu tăng số nước được miễn visa khi nhập cảnh khi nhận thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt mục tiêu. Việt Nam hiện đang đơn phương miễn visa cho 25 nước. Trong khi đó, Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước, Philippines miễn cho 157 nước, Thái Lan 65 nước. Đây là một trong những điểm nghẽn khiến du lịch Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các thị trường khu vực.
Trong nghị quyết này, hàng loạt bộ ngành, trong đó Bộ Công an được Chính phủ giao nhiệm vụ tạo thuận lợi cho khách quốc tế xuất, nhập cảnh, đi lại; thực hiện báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (e-visa).
Để tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo hướng bảo đảm thống nhất về cấp thị thực điện tử và truyền thống; kéo dài thời gian tạm trú cho người nước ngoài vào Việt Nam, phía Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội sửa Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài.
Nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong việc thúc đẩy du lịch
Nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải là mở rộng và tạo thuận lợi hơn cho các hãng quốc tế mở đường bay đến Việt Nam, trong đó có các địa bàn du lịch trọng điểm; đồng thời sửa đổi quy định điều phối giờ cất, hạ cánh tại sân bay theo hướng linh hoạt.
Bộ Công Thương tiến hành nghiên cứu, bổ sung cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng giá bán lẻ điện bằng giá cho khách hàng sản xuất. Trong khi đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát triển hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu cũng như đa dạng mô hình doanh nghiệp du lịch.
Các địa phương được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch tiếp cận vốn. Bộ Tài chính đề xuất gói ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp du lịch. Cùng với đó, các đơn vị phải điều chỉnh khung giá trần vé máy bay trong ngắn hạn, mục đích là đưa chúng về đúng cơ chế thị trường, giúp các hãng hàng không Việt Nam được gỡ khó để họ tích lũy năng lực, nâng khả năng cạnh tranh.
Mục tiêu của Việt Nam năm 2023 là đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa với tổng doanh thu dự kiến đạt 650.000 tỷ đồng.