Kết phiên 20/6, cổ phiếu KDC của Tập đoàn Kido giảm nhẹ 0,16% xuống mức 62.900 đồng/cp, tương ứng đã điều chỉnh nhẹ gần 4% so với mức đỉnh 65.400 đồng vừa thiết lập hồi đầu tháng 5. Xét từ đầu năm đến nay, cổ phiếu KDC gây ấn tượng với mức tăng gần 18% bất chấp thị trường liên tục trồi sụt.
Trong khi đó, một cổ phiếu cùng ngành sản xuất dầu ăn khác là VOC của Công Nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOCARIMEX) lại theo xu hướng ngược lại với việc thị giá giảm tới 49% sau gần nửa năm giao dịch, chốt phiên 20/6 tại 15.600 đồng/cp.
Trong khi đó, một gương mặt khá quen thuộc khác là Dầu Thực vật Tường An thì đã vừa hủy niêm yết cổ phiếu TAC kể từ tháng 5 vừa qua do công ty hủy tư cách công ty đại chúng.
Trong một báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trích nghiên cứu từ CGS CIMB, cho biết giá dầu cọ thô (CPO) dự kiến sẽ có xu hướng giảm trong nửa cuối năm 2022 do nguồn cung dầu cọ thế giới được cải thiện.
Cụ thể, dòng chảy thương mại dầu cọ có thể quay trở lại Indonesia – nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới – từ tháng 6/2022 khi chính phủ Indonesia cấp 383 giấy phép xuất khẩu để vận chuyển 460.647 tấn dầu cọ và đưa ra chương trình tăng tốc xuất khẩu dầu cọ lên tới một triệu tấn. Ngoài ra, Indonesia cũng đang giảm thuế suất và thuế xuất khẩu tối đa đối với dầu cọ thô xuống còn 488 USD/tấn từ 575 USD/tấn nhằm thúc đẩy xuất khẩu các lô hàng.
Trên thực tế, giá CPO đã giảm từ đầu tháng 6 sau khi Indonesia nối lại xuất khẩu vào cuối tháng 5. Vào ngày 17/6/2022, giá CPO là 5.454 MYR/tấn, tương ứng giảm 10,8% so với tháng trước song vẫn tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là thông tin khả quan đối với ngành sản xuất dầu ăn nước đó.
Các nhà sản xuất dầu ăn của Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng giảm dự kiến của giá dầu cọ thô
Hiện nay, hai nước cung cấp dầu cọ thô chính của Việt Nam là Indonesia và Malaysia – chiếm lần lượt 60,2% và 39,7% tổng giá trị nhập khẩu dầu cọ Việt Nam vào năm 2020. Trong bối cảnh giá dầu cọ thô giảm, đặc biệt là giá CPO của Indonesia và Malaysia, VDSC cho rằng các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn của Việt Nam như Công ty Dầu thực vật Tường An (TAC) hoặc Vocarimex (mã chứng khoán: VOC) sẽ có cơ hội mua dầu cọ thô với giá thấp hơn so với mức nửa đầu năm nay.
Do thời gian lưu kho tốt nhất của dầu cọ thô trung bình là chín tháng, Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng các nhà sản xuất dầu ăn Việt Nam sẽ thực hiện các đơn đặt hàng dầu cọ mới với mức giá thấp trong quý 3/2022.
Theo một đánh giá của Kantar Worldpanel, dầu ăn hiện là mặt hàng ghi nhận mức lạm phát cao thứ hai với tỷ lệ lên tới 23,6% trong quý 1/2022. Bên cạnh đó, Tập đoàn Kido (KDC) đã thông báo nâng giá bán bình quân của sản phẩm dầu ăn lên khoảng 7-8% so với đầu năm. Ngoài ra, trên nền tảng thương mại điện tử, giá bán dầu ăn Tường An cũng đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ.
VDSC nhận thấy rằng các sản phẩm dầu ăn là mặt hàng có thể hấp thụ phần lớn chi phí đầu vào tăng cao vào giá bán. Các sản phẩm dầu ăn cũng sẽ được giao dịch ở mức này trong một năm tới vì giá bán dầu ăn chỉ mới tiếp tục điều chỉnh tăng trong tháng 3/2022. Do chi phí nguyên liệu đầu vào giảm nhờ giá dầu cọ giảm, VDSC tin tưởng biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi kể từ nửa cuối năm 2022.
Xu hướng tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 hỗ trợ sự tăng trưởng của các nhà sản xuất dầu ăn Việt Nam
Cũng theo Kantar Worldpanel, một trong những xu hướng tiêu dùng nổi bật của ngành dầu ăn trong năm 2021 tại Việt Nam là sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với dầu ăn cao cấp sau đại dịch Covid-19. Trong số các doanh nghiệp đầu ngành theo đuổi chiến lược này có CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) và Công ty TNHH Dầu & Chất béo Cái Lân (Calofic). Giá sản phẩm dầu ăn cao cấp cao hơn so với giá sản phẩm tiêu chuẩn, do đó, đóng góp cao hơn từ nhóm này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của các nhà sản xuất dầu ăn, đồng thời hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận. Ví dụ, giá dầu ăn Tường An cao cấp cao hơn giá tiêu chuẩn khoảng 16%.
Bất chấp đại dịch Covid-19, tăng trưởng doanh số của các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong cả năm 2021 và quý 1/2022 đều ghi nhận những con số khả quan. Ngoại trừ Vocarimex với kênh khách hàng chính là các khu công nghiệp và trường học, tăng trưởng doanh thu năm 2021 của công ty mẹ của các nhà sản xuất dầu ăn hàng đầu Việt Nam là TAC và KDC lần lượt tăng 20% và 26% so với thực hiện năm 2020; trong khi đó kết quả của quý 1/2022 tương ứng tăng 7% và +24% so với quý 1/2021.
Về lợi nhuận, do CPO chính thức vượt qua mức đỉnh của giai đoạn 2012-2019 kể từ tháng 12/2020, dẫn tới tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất dầu ăn đã giảm mạnh kể từ quý 2/2021. Với xu hướng CPO giảm, VDSC kỳ vọng lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2022 của các công ty này sẽ phục hồi tốt.
Xét về các doanh nghiệp cụ thể trong mảng sản xuất dầu ăn, hiện Tập đoàn Kido (KDC) là công ty duy nhất có vị thế công ty mẹ của ba nhà sản xuất dầu ăn hàng đầu Việt Nam, bao gồm TAC, VOC và Kido Nhà Bè. Ngoài ra, KDC cũng nắm giữ cổ phần ở các công ty sản xuất dầu ăn đầu ngành khác, bao gồm Calofic và CTCP Dầu Thực Vật Tân Bình. Do đó, VDSC tin rằng KDC sẽ hưởng lợi được từ giá trị doanh số dầu ăn đang tăng lên.
Theo kế hoạch của KDC, công ty sẽ nâng tổng công suất thiết kế sản xuất mảng dầu ăn trong những năm tới để gia tăng thị phần, hướng tới vị trí có thị phần lớn nhất. Đáng chú ý, Kido có kế hoạch thâm nhập sâu hơn thị trường miền Bắc dựa trên vị trí địa lý thuận lợi của nhà máy dầu Vinh tại tỉnh Nghệ An. Năm 2021, về mặt bán lẻ dầu ăn, KDC chiếm 19,3% tổng thị phần (không tính sản phẩm của Vocarimex), đứng ở vị trí lớn thứ hai chỉ sau Calofic (47,6%). KDC đặt mục tiêu đạt 45% tổng thị phần trong dài hạn.