Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, tiềm năng tín dụng xanh và tài chính bền vững tại Việt Nam còn rất lớn. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam đã nhấn mạnh “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Từ đó, Chính phủ đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…
Xu hướng tín dụng xanh trong hoạt động tài chính
Theo tinh thần đó, Việt Nam chủ trương kết hợp hài hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường và xã hội, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, bền vững. Từ thực tiễn mô hình phát triển mới gắn với tăng trưởng xanh trên thế giới cũng như trong nước, có thể nhận thấy nhiều cơ hội kinh doanh trong nhiều lĩnh vực ở nhiều địa bàn.
Việt Nam đã và đang có những chủ trương, chính sách đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong các năm gần đây cũng như là sự quan tâm của các tổ chức tài chính đến Việt Nam ngày càng nhiều.
Cụ thể là tháng 10 vừa qua World Bank đã tổ chức Hội nghị về Báo cáo Biến đổi khí hậu và phát triển Việt Nam (CCDR) nhằm thúc đẩy hành động của nhóm Ngân hàng Thế giới và thu hút nguồn lực tài chính về biến đổi khí hậu và phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam, tại hội nghị đã có nhiều Quỹ đầu tư bày tỏ các chính sách rõ ràng hơn, tích cực hơn để có thể tham gia tài trợ vốn nhiều hơn cho lĩnh vực tín dụng này tại Việt Nam.
Mới đây, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) vừa diễn ra vào đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam trong việc “sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050″.
Đây là một cam kết quan trọng và có lợi cho Việt Nam trong tiến trình đồng hành cùng các quốc gia khác đạt mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Qua đó, Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỉ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) chủ trương phát triển tín dụng xanh
Trong số các NHTM đang triển khai định hướng tập trung tăng trưởng tín dụng xanh, Ngân hàng Phương Đông (OCB) được biết đến là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng.
Theo số liệu hiện nay, quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng khá lớn trong tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn hàng, dự kiến tỷ trọng cuối năm 2021 đạt 7,8%/tổng dư nợ và tiếp tục tăng lên tối thiểu 8% trong 03 năm tiếp theo.
Ưu tiên cấp tín dụng vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và các dự án sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hoạt động kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, OCB còn có các sản phẩm tín dụng chuyên biệt nhằm hỗ trợ cho các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn như: sản phẩm cho vay trồng cây công nghiệp tại khu vực Gia Lai, Đăk Lăk…
Các khách hàng khi tiếp cận tín dụng xanh tại OCB sẽ được áp dụng chương trình phê duyệt tín dụng đặc thù với tốc độ xử lý hồ sơ ưu tiên và lãi suất ưu đãi. Với các dự án lớn, OCB có sự ưu tiên về nguồn lực để tập trung đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ phê duyệt tín dụng cũng như xử lý giải ngân cấp tín dụng cho Khách hàng để đảm bảo tiến độ triển khai dự án của chủ đầu tư.
Ngoài ra, OCB cũng xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng cụ thể cho những dự án tài chính vi mô (như sản phẩm cho vay nông nghiệp nông thôn, sản phẩm cho vay phát triển điện mặt trời áp mái) để đảm bảo sự động bộ trong thủ tục, nhanh chóng trong thời gian xét duyệt và giải ngân cấp tín dụng.
Tăng trưởng tín dụng xanh và phát triển bền vững đã và đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế trong những năm gần đây, trong đó, ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh. Trong thời gian tới, OCB sẽ tiếp tục rà soát để cải tiến và triển khai các chính sách thực hiện mục tiêu tín dụng xanh, tăng cường tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế, đối tác, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.