Nếu cố tình không xuất hóa đơn giảm thuế VAT (thuế giá trị gia tăng), các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm
Công điện số 02 vừa được Tổng Cục Thuế ban hành nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện giảm thuế VAT theo quy định tại Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022 của Chính phủ.
Công điện số 02 nêu rõ, trong nhóm hàng hóa, dịch vụ nằm trong diện giảm VAT xuống 8% quy định tại Nghị định 15 của Chính phủ, một số doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh vẫn chưa xuất hóa đơn VAT.
Nhằm bảo đảm chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ thực chất đi vào cuộc sống, Tổng Cục Thuế yêu cầu các cục trưởng cục thuế chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý; đồng thời bám sát địa bàn cũng như người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ… về việc giảm 2% thuế suất VAT trong năm 2022. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định pháp luật.
Vào ngày 27/1 trước đó, Tổng cục Thuế đã thông báo nâng cấp giải pháp lập hóa đơn điện tử. Theo đó, Tổng cục Thuế nâng cấp ứng dụng bằng việc bổ sung thêm mức thuế 8% để người sử dụng chọn khi lập hóa đơn trên hệ thống của Tổng cục Thuế.
Tổng Cục Thuế cũng đã đề nghị nâng cấp giải pháp hóa đơn điện tử đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử thực hiện nhằm hỗ trợ người nộp thuế hay cơ sở kinh doanh áp dụng lập hóa đơn theo quy định.
Bộ Tài chính cho hay, đây là lần đầu tiên thuế VAT giảm một cách đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất và gia công tiêu dùng.
Giảm thuế VAT còn 8% từ 1/2
Từ ngày 1/2, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ được giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), còn 8%, áp dụng đến hết 31/12/2022 và chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm nay.
Việc giảm thuế VAT được quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, ban hành ngày 28/1.
Chính sách này sẽ áp dụng với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không phân biệt phương pháp tính thuế khấu trừ hay tính tỷ lệ % trên doanh thu.
Tuy nhiên, một số nhóm hàng hóa không được áp dụng mức giảm thuế VAT như: Viễn thông, hoạt động tài chính, công nghệ thông tin, chứng khoán, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không tính khai thác than), than cốc, sản phẩm hoá chất, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cho hay, theo dự kiến, ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ bị giảm khoảng 51.400 tỷ đồng sau khi thực hiện Nghị định số 15. Trong đó, 49.400 tỷ đồng là từ chính sách giảm thuế VAT, 2.000 tỷ đồng là từ chính sách khấu trừ chi phí tài trợ, ủng hộ phòng, chống Covid-19 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cơ quan Nhà nước cho hay, chính sách này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiếp tục hoạt động, góp phần khôi phục nền kinh tế đất nước sau dịch bệnh, góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Cát Anh