Ở mỗi quốc gia, vi phạm giao dịch chứng khoán sẽ bị xử phạt khác nhau. Có những nơi, người vi phạm thậm chí bị bỏ tù.
Cơn sóng gió mang tên Trịnh Văn Quyết
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC gây chấn động giới đầu tư chứng khoán những ngày qua. Ở diễn biến mới nhất, Bộ Tài Chính vừa ban hành Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã CK: FLC, HoSE). Theo đó, toàn bộ tài khoản chứng khoán của ông chủ FLC bị phong tỏa từ 11/1/2022 cho đến khi Chủ tịch SSC có quyết định thay thế.
Giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết hôm 10/1 cũng bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) huỷ bỏ. Trước đó, ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước giao dịch. SSC cũng đang phối hợp với các bên xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết.
Giao dịch nội gián là gì?
Người nắm được thông tin nội bộ công ty và hưởng lợi từ giao dịch chứng khoán mà các nhà đầu tư khác không biết gọi là giao dịch nội gián.Thông thường, những người này nắm được thông tin không công khai của công ty hoặc sở hữu hơn 10% cổ phần của công ty. Họ thường nắm giữ các chức vụ quan trọng của công ty như giám đốc, giám đốc điều hành cấp cao.
Hình thức xử phạt vi phạm giao dịch chứng khoán ở các nước
Tại Mỹ
Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) quy định, người trong nội bộ công ty được phép mua bán cổ phiếu tại doanh nghiệp của mình hoặc bất cứ công ty con nào. Tuy nhiên, việc mua bán phải đăng ký với SEC và được công bố trước giao dịch. Cách thực hiện này gọi là giao dịch nội gián hợp pháp.
Những giao dịch nội gián bất hợp pháp là sử dụng thông tin không công khai để thu lợi. Ví dụ, CEO một công ty tiết lộ việc mua bán công ty với người bạn đang sở hữu cổ phần trong công ty để họ kịp bán trước khi thông tin công khai…
Để kiểm soát các giao dịch nội gián bất hợp pháp, SEC thường xem xét khối lượng giao dịch của một cổ phiếu. Một dấu hiệu cảnh báo giao dịch nội gián có thể là việc khối lượng giao dịch cổ phiếu tăng bất thường sau khi phát hành tin tức quan trọng.
SEC quy định, người bị bắt vì giao dịch nội gián bất hợp pháp có thể bị đi tù, phạt tiền hoặc thậm chí cả hai. Nếu bị kết tội giao dịch nội gián, người đó có thể bị phạt tối đa 5 triệu USD hoặc 20 năm tù.
Ấn Độ
UBCK và sàn giao dịch Ấn Độ (SEBI) quy định, người thực hiện giao dịch nội gián có thể bị phạt 250 tỷ rupee hoặc bị phạt gấp 3 lần lợi nhuận thu từ các giao dịch, tùy thuộc xem mức nào cao hơn.
Hồng Kông (Trung Quốc)
Ở Hồng Kông, giao dịch nội gián bị coi là tội hình sự, đồng thời nó cũng được cấu thành tội dân sự dưới dạng hành vi sai trái của thị trường và phải đối mặt với mức phạt tối đa lên tới 10 triệu HKD hoặc chịu phạt tù 10 năm.
Singapore
Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) phạt nặng hành vi vi phạm giao dịch nội gián. Luật Chứng khoán và các hoạt động phái sinh (SFA) quy định, số tiền người có hành vi này bị xử phạt có thể gấp 3 lợi nhuận. Nếu như không kiếm được lợi nhuận, thậm chí tổn thất từ giao dịch trên, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50.000 SGD đến 2 triệu SGD.
Mức xử phạt hình sự SFA quy định đối với hành vi giao dịch nội gián đối với cá nhân có thể là 250.000 SGD hoặc 7 năm tù, hoặc cả hai.
Trung Quốc
Giao dịch nội gián tại quốc gia này bị xử phạt nặng. South China Morning Post từng đưa tin, tháng 7/2020, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã xử phạt doanh nhân Wang Yaoyuan và con gái Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc vì sử dụng thông tin nội bộ giao dịch cổ phiếu của tập đoàn dược phẩm Joincare niêm yết tại sàn chứng khoán Thượng Hải.
Tháng 7/2021, một nhân viên của ByteDance trục lợi từ thông tin nội bộ của một công ty xuất bản số mà họ hợp tác nên bị xử phạt gấp gần 9 lần số tiền lãi 54.880 nhân dân tệ anh kiếm được khi bán 55.700 cổ phiếu của nhà xuất bản này.
Cát Anh (T/h)