Blockchain đã và đang dần trở nên quen thuộc với những người yêu thích công nghệ tại Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Việc thành lập Liên minh Blockchain Việt Nam đóng vai trò tạo ra nơi kết nối cộng đồng, học tập và chia sẻ cơ hội và xây dựng hệ sinh thái kinh tế số!
Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) ra mắt
Sáng 21/4/2022, Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) ra mắt tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế – ICC (Hà Nội). Liên minh thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), ra đời vào ngày 26/12/2021.
Việc thành lập Liên minh Blockchain Việt Nam sẽ đóng vai trò tạo ra nơi kết nối cộng đồng, trao đổi học thuật, chia sẻ cơ hội đầu tư cũng như hợp tác xây dựng hệ sinh thái kinh tế số với tham vọng biến Việt Nam thành cường quốc công nghệ số trong tương lai!
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp khi tham gia vào hệ sinh thái blockchain là vấn đề an toàn và bảo mật thông minh. VBU cũng tích cực hợp tác với các chuyên gia và các công ty bảo mật, nhằm hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư cũng như người dùng; tham gia đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Blockchain; xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tham gia thẩm định và đánh giá công nghệ Blockchain, khuyến nghị và cảnh báo rủi ro hoạt động của các dự án hoặc nhóm cộng đồng có dấu hiệu bất thường; tư vấn và kết nối nghề nghiệp trong lĩnh vực Blockchain.
Xuất hiện 2 Liên minh blockchain Việt Nam
Trước đó, hôm 19/4, cũng có sự kiện ra mắt Liên minh Blockchain Việt Nam – Vietnam Blockchain Union (VBU) và hội thảo Cơ hội phát triển Kinh tế số Quốc gia và Khát vọng hùng cường diễn ra tại TP.HCM.
Việc hai tổ chức mang tên “Liên minh Blockchain Việt Nam” đều công bố sự kiện ra mắt gần như cùng thời điểm, khiến dư luận không khỏi hoài nghi.
Liên minh Blockchain Việt Nam trực thuộc VDCA ra mắt ngày 21/4 ban đầu có tên là Câu lạc bộ Blockchain (BCU) theo Quyết định thành lập số 46/QĐ-HTTS ký ngày 26.12.2021 do ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam – VDCA ký tên và đóng dấu, cũng có tên viết tắt tiếng Anh là VBU (Vietnam Blockchain Union) như đơn vị trong TP.HCM thông báo ra mắt trước 2 ngày.
Trong khi đó, Liên minh Blockchain Việt Nam ra mắt ngày 19/4 có tên đầy đủ pháp nhân trên giấy đăng ký kinh doanh là Công ty TNHH Liên minh Blockchain Việt Nam. Công ty khẳng định hai đơn vị “không trùng lặp tên thương hiệu, hoàn toàn độc lập và không có sự liên quan”.
Dù vậy, hai tổ chức có tầm nhìn và sứ mệnh tương đối giống nhau. Liên minh Blockchain Việt Nam ra mắt ngày 19/4 với slogan “A Smarter Way to Create Value”, kết nối và đồng hành hiệu quả với các tổ chức, doanh nghiệp Blockchain với sự hỗ trợ, hợp tác của mạng lưới các đội ngũ chuyên gia cố vấn hàng đầu thế giới về Blockchain và các lĩnh vực liên quan.
Trong khi đó, slogan của tổ chức ra mắt ngày 21/4 thuộc VDCA là “Building Smarter Societies”. VBU này có ban cố vấn gồm nhiều thành viên thuộc bộ, ngành, trường đại học và doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam.
Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch VBU (thuộc VDCA) khẳng định đơn vị thành lập tại TP.HCM là một công ty TNHH Một thành viên, do vậy đây không thể là “liên minh” dù sử dụng tên gọi này, đồng thời sẽ phải hoạt động theo luật doanh nghiệp. Trong khi đó, VBU mà ông làm Chủ tịch mới là “một tổ chức xã hội cộng đồng, không hoạt động theo các quy định liên quan tới doanh nghiệp nên khác nhau về tính chất”.
Website của VBU (VDCA) ngày 15/4 đã đăng bản tin thông báo về “tình trạng mạo danh Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) thuộc VDCA” để nói thêm về việc có tồn tại tổ chức, cá nhân sử dụng tên này, đồng thời công khai danh sách ban điều hành, ban cố vấn của tổ chức.
Tương lai của blockchain
Theo các chuyên gia, kỷ nguyên phát triển tiếp theo của Internet trên phạm vi toàn cầu sẽ bao gồm 4 xu hướng lớn là Metaverse (vũ trụ ảo), Web 3.0, AI (Trí tuệ nhân tạo) và Chuỗi khối (Blockchain).
Trong đó, công nghệ Blockchain đang được nhiều người quan tâm và nghiên cứu để ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh hay thậm chí là tạo ra những mô hình kinh doanh mới.
Theo phân tích mới nhất của PwC – một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay, công nghệ Blockchain có tiềm năng thúc đẩy tổng GDP toàn cầu (Tổng sản phẩm quốc nội) lên tới 1,76 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
Tại Việt Nam, Blockchain đã bước đầu thành hình và đang tiếp tục được nghiên cứu, hứa hẹn sẽ trở thành một lĩnh vực mới đầy thú vị với cộng đồng công nghệ.
Tuy chưa có con số thống kê chi tiết và cụ thể nhưng hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt tay vào nghiên cứu và ứng dụng Blockchain vào các sản phẩm, dịch vụ công nghệ. Để “lĩnh vực” này phát triển nhanh và mạnh hơn, cần có nơi quy tụ, trao đổi học thuật, nghiên cứu cũng như chia sẻ cơ hội đầu tư, hợp tác xây dựng hệ sinh thái cho cộng đồng. Sản phẩm chuỗi khối.
Hiện nước ta cũng có những kỳ lân, thậm chí dẫn đầu trong một số lĩnh vực, đó là game Blockchain. Đó là trò chơi Axie Infinity với tổng vốn hóa thị trường đã vượt 9,7 tỷ USD, gấp 3 lần vốn hóa của Tập đoàn FPT. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có hơn 200 game Blockchain và đang dẫn đầu thị trường.
Nguồn: Thanh Niên, The Leader