Xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang Mexico có mức tăng trưởng khá tốt nhờ những ưu đãi thuế quan đến từ Hiệp định CPTPP.
Mexico – đối tác thương mại lớn thứ 2 trong khu vực
Theo số liệu mới nhất do Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) cung cấp, trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương với Mexico đạt mức tăng trưởng khá tốt, đạt 3,24 tỷ USD, tăng 36,08% so với cùng kỳ năm 2020.
Với con số thương mại này, Mexico trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của nước ta tại khu vực Mỹ Latinh và lớn thứ 4 tại khu vực châu Mỹ (sau Hoa Kỳ, Canada và Brazil). Trong đó, xuất khẩu của nước ta đạt 2,92 tỷ USD, tăng 43%. Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu hàng đầu sang khối thị trường các nước trong CPTPP đối với hàng hóa của Việt Nam.
Một trong những điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico chính là nông thủy sản. Điển hình, riêng trong tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản đạt 5,7 triệu USD, trong đó cá tra chiếm 67% với 3,84 triệu USD, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ chiếm 29% với 1,65 triệu USD, tăng mạnh 263%. Tính đến hết tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản sang Mexico đạt trên 59 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả trên có sự đóng góp rất lớn từ những ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cụ thể, với hiệp định này, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ ngày 14/1/2018, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, xuất khẩu cá tra và cá ngừ sang thị trường Mexico với ưu thế về thuế nhập khẩu theo Hiệp định CPTPP sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Được biết, hiện Mexico trở thành thị trường đơn lẻ lớn thứ 3 về giá trị nhập khẩu cá tra Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mỹ.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn
Theo Bộ Công thương, Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi CPTPP đối với phần lớn các mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày, nông sản, thuỷ sản… để xuất khẩu sang Mexico. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, trong bối cảnh hậu đại dịch, Mexico là thị trường rất tiềm năng mà doanh nghiệp Việt có thể khai thác để xuất khẩu thành công.
“Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này cũng phải đối mặt với không ít thách thức như khoảng cách địa lý, công tác vận chuyển, các điều kiện, tập quán thị trường…” – đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Việt cần có sự chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, cần nắm bắt thị hiếu cũng như nhu cầu; linh hoạt trong các giải pháp để lực chọn dòng sản phẩm thế mạnh, phương thức quảng bá phù hợp nhằm cạnh tranh hiệu quả so với các đối thủ; đặc biệt là cần quan tâm tới đến những điều kiện địa lý ảnh hưởng tới thời gian, tiến độ giao hàng cho đối tác…
Đáng chú ý, “doanh nghiệp Việt nên nắm bắt và hiểu sâu hơn, kỹ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi từng mặt hàng cụ thể trong Hiệp định CPTPP. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên tăng cường việc sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Mexico trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay” – bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), chia sẻ thêm.