Việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn trong ít nhất 6 tuần dịp Tết Nguyên đán 2022.
Không riêng gì Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu rau quả
Trước việc một số báo đưa tin, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc sẽ ngừng nhập khẩu rau quả trong thời gian tới tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu cây ăn trái”, tối 6/12, ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định không có chuyện Trung Quốc ngừng nhập khẩu rau quả từ Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên phân tích thêm, Trung Quốc đang thực hiện siết chặt kiểm soát dịch COVID-19 theo chiến lược “Zero COVID”. Thủy thủ đoàn sau các chuyến công tác phải cách ly 6-7 tuần, vì thế doanh nghiệp khai thác tàu trung chuyển tại các cảng ở miền Nam của Trung Quốc quyết định tạm ngừng hoạt động ít nhất 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.
Theo đó, Hapag-Lloyd, Evergreen hay Ocean Network Express – các hãng vận tải biển lớn toàn cầu đã thông báo về việc tạm ngừng nhận các đơn hàng vận chuyển đến các cảng nhỏ ở đồng bằng sông Châu Giang và tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.
Theo lời ông Nguyên, hầu hết các nước sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu rau quả đi các quốc gia, vùng lãnh thổ qua các cảng trung chuyển tại miền Nam Trung Quốc chứ không riêng gì với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên thông tin, rau quả của Việt Nam 80% được xuất khẩu bằng đường biển với kim ngạch đạt từ 3-3,5 tỷ đồng/năm. Theo đó, trong 11 tháng năm 2021, xuất siêu rau quả ước tính đạt trên 2,1 tỷ USD. Và Trung Quốc là thị trường lớn nhất về xuất khẩu rau quả của Việt Nam với tổng kim ngạch ước đạt khoảng 1,8 tỷ USD, chiếm khoảng 55% thị phần rau quả xuất khẩu của nước ta.
Bởi vậy, việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn trong ít nhất 6 tuần dịp Tết Nguyên đán 2022 nếu Trung Quốc áp dụng lệnh cách ly thủy thủ đoàn một cách nghiêm ngặt vậy.
Ông Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần lưu ý để điều chỉnh kế hoạch thương mại. Trong đó các doanh nghiệp đặc biệt lưu ý trong việc tăng cường bảo quản hàng hoá trong trường hợp xuất khẩu theo đường bộ với thời gian có thể kéo dài tới 3-4 tuần.
Nan giải tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu
Theo văn bản của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh chỉ có 4/12 cửa khẩu đang duy trì hoạt động. Trong khi đó, lưu lượng người và phương tiện tại khu vực này tăng cao. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vì thế gặp nhiều thách thức.
Thống kê cho thấy, tại cửa khẩu Hữu Nghị đang có hơn 600 xe ùn ứ và gần 800 xe đang tồn tại Trung Quốc nhưng năng lực thông quan chỉ khoảng 200 xe/ngày. Trong khi đó tại Cửa khẩu chính Chi Ma, 625 xe đang tồn trong khi năng lực thông quan chỉ từ 30-35 xe/ngày. Sở Công thương Lạng Sơn cho hay, mỗi ngày, khoảng 40-50 xe có thể vào cửa khẩu Chi Ma. Nhưng với năng lực thông quan hạn chế, tại đây có thể tồn dư khoảng 10-12 xe mỗi ngày.
Theo dự kiến, trong vòng 10 ngày tới, lượng xe tồn tại Chi Ma có thể lên tới con số 750 – 800 xe; và trong 20 ngày tới có thể 800 – 900 xe, nếu không có biến động lớn ở đầu vào – đầu ra.
Dù năng lực thông quan chỉ khoảng 200 xe/ngày nhưng Cửa khẩu phụ Tân Thanh vẫn tồn 1.674 xe. Trong đó, khu phi thuế quan tồn 1005 xe, bãi xe Bảo Nguyên tồn 669 xe; phía Trung Quốc tồn 523 xe.
Sở Công thương Lạng Sơn đã đề nghị Sở Công thương của các tỉnh, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan chủ động nắm bắt tình hình thực tế tại các cửa khẩu, lập kế hoạch để điều tiết sớm và điều tiết từ xa lượng xe hàng đưa lên các cửa khẩu của Lạng Sơn sao cho phù hợp.
Cát Anh (T/h)